Sao chổi khởi đầu nền văn minh nông nghiệp
Các chuyên gia Mỹ đã kết nối một sự kiện va chạm với thiên thể vũ trụ tại Canada cách đây khoảng 12.900 năm với sự thay đổi khí hậu trên toàn cầu, quét sạch nhiều động vật có vú kích thước lớn trên bề mặt Trái đất.
Các nhà khoa học thuộc Đại học Dartmouth cho hay, sự kiện hủy diệt trên có thể buộc con người bắt đầu hoạt động hái lượm và trồng trọt thay vì chỉ đơn thuần săn bắn.
Vụ va chạm với sao chổi, hoặc một tiểu hành tinh, diễn ra vào thời đầu của Đợt Lạnh giá lớn (Big Freeze) đánh dấu sự thay đổi đột ngột trên toàn cầu theo hướng khí hậu lạnh hơn, khô hơn, với ảnh hưởng lan rộng cho cả người lẫn động vật.
Voi ma mút cũng bị quét sạch trong sự kiện này - (Ảnh: commons.wikimedia.org)
Ở Bắc Mỹ, các động vật to xác như ma mút, lạc đà, lười đất lớn, hổ răng kiếm đồng loạt biến mất, và những người săn chúng, người Clovis, xếp lại giáo mác và chuyển sang chế độ ăn săn bắn - hái lượm, dựa trên rễ cây, quả và những đợt săn qui mô nhỏ hơn.
“Đợt Lạnh giá lớn ảnh hưởng mạnh mẽ đến lịch sử loài người”, theo tờ Register dẫn lời nhà nghiên cứu Mukul Sharma của Đại học Dartmouth.
Giả định về một sự va chạm với thiên thể đi ngược lại giả thuyết chiếm ưu thế cho rằng giai đoạn nguội đi của Đợt Lạnh giá lớn là do thay đổi dòng chảy trên các đại dương.
Sharma và đồng sự cho rằng kết quả phân tích các spherule, những giọt đá nóng chảy đông đặc lại bị tống ra từ một vụ va chạm của sao chổi hoặc sao băng, ở địa điểm là biên giới của Đợt Lạnh giá lớn tại Pennsylvania và New Jersey (Mỹ) có sự tương đồng với đá ở miền nam Quebec (Canada), nơi các chuyên gia cho rằng là điểm xảy ra vụ va chạm.
“Lần đầu tiên chúng tôi thu hẹp khu vực nơi một vụ va chạm diễn ra”, theo chuyên gia Sharma, dù ông thừa nhận vẫn chưa tìm thấy hố va chạm.