Sao chổi tỏa sáng phía trên cực quang nhìn từ không gian
Vệ tinh Yangwang 1 của Trung Quốc chụp được khoảnh khắc sao chổi Leonard tiếp cận Trái đất ở khoảng cách gần nhất vào ngày 12/12.
Sao chổi Leonard tiếp cận Trái đất vào ngày 12/12, chụp bởi vệ tinh Yangwang 1. (Ảnh: Origin Space).
Ảnh chụp đã xử lý màu cho thấy sao chổi Leonard, còn được gọi là C/2021 A1, hiện lên nổi bật với phần đuôi mở rộng màu xanh lá cây ở chính giữa khung hình. Cảnh tượng trông càng ngoạn mục khi được tô điểm bởi ánh sáng cực quang rực rỡ ở phía dưới và nền trời đầy sao ở phía sau. Ở bên trái sao chổi còn có một vệt sáng nhỏ của sao băng.
Trong hình ảnh chụp bởi vệ tinh Yangwang 1 vào ngày 12/12, Leonard cách Trái đất 0,233 đơn vị thiên văn (AU), tương đương 34,9 triệu km. Đến ngày 3/1 năm sau, nó sẽ đến gần Mặt Trời nhất (điểm cận nhật) ở khoảng cách 0,6151 AU, tương đương 92 triệu km.
Leonard chỉ mới được phát hiện vào ngày 3/1 năm nay, đúng một năm trước điểm cận nhật. Khi đó, nó cách Mặt Trời tới 5 AU, tương đương 750 triệu km. Sao chổi tuyệt đẹp này có quỹ đạo quay ngược với chu kỳ lên tới 80.000 năm, có nghĩa là phải 80.000 năm nữa chúng ta mới lại thấy thiên thể tiếp cận Mặt Trời.
Vệ tinh Yangwang-1 được phóng vào đầu năm nay là một kính viễn vọng không gian cỡ nhỏ của Trung Quốc, có nhiệm quan sát vũ trụ xung quanh hành tinh của chúng ta trong ánh sáng có thể nhìn thấy và ánh sáng tia cực tím, để tìm kiếm các tiểu hành tinh gần Trái đất có tiềm năng khai thác tài nguyên.
Vệ tinh do công ty Origin Space vận hành là bước đầu tiên trong kế hoạch đầy tham vọng nhằm chinh phục một tiểu hành tinh nhỏ vào năm 2025.