Sự thật về dòng sông chảy trong không gian
Một dòng sông chứa đầy các ngôi sao đã được phát hiện "chảy" qua không gian tại thiên hà cách chúng ta 300 triệu năm ánh sáng.
"Dòng sông" này vốn được các nhà khoa học gọi là dòng Coma, nằm trong chòm sao Hậu Phát, có chiều dài lên tới 1,7 triệu năm ánh sáng, và là dòng chảy dài nhất mà chúng ta từng quan sát thấy.
Dòng chảy khổng lồ biểu hiện bằng vệt đen ở giữa, chảy giữa các thiên hà dưới quan sát của Kính thiên văn William Herschel (Ảnh: Science).
Theo các nhà thiên văn, dòng chảy này chứa khoảng 40 ngôi sao, và 1.000 thiên hà riêng lẻ với cùng một hướng chuyển động chung.
Trong quá khứ, một nhóm thiên hà, được gọi là NGC 4839, từng rơi vào dòng Coma, và bị phá hủy bởi những dòng phản lực khổng lồ. Sau đó, chúng bị nguội lạnh đến mức không thể nhìn thấy được.
Tình cờ thay, dòng chảy này lại đi ngang qua cụm thiên hà của chúng ta. Mặc dù không gây nguy hiểm tới Trái đất, song nó có thể hé lộ những bí mật liên quan tới cấu trúc của vật chất tối bao quanh dải sao.
Theo các nhà nghiên cứu, mặc dù "dòng sông" này khá lớn và có vẻ yên bình, nhưng do cấu trúc vốn có của cụm thiên hà, chúng có thể ẩn chứa một môi trường hỗn loạn với các lực hấp dẫn đan xen, nơi các vật thể khổng lồ trong đó liên tục đẩy và hút nhau theo mọi hướng.
Về cơ bản, nó không khác gì những dòng sao trong Dải Ngân hà, nhưng ở quy mô lớn hơn rất nhiều.
Dẫu vậy, dòng chảy này sẽ không tồn tại lâu theo dự đoán của các nhà khoa học. Điều may mắn là chúng ta có đủ công nghệ vào thời điểm hiện nay để quan sát cấu trúc cho tới khi nó bị tách rời.
Các nhà thiên văn hy vọng rằng trong 10 năm tới, họ có thể sử dụng những đài quan sát lớn hơn để phân tích kỹ hơn quần thể khổng lồ này, từ đó tìm ra những bí mật mà chúng ta có thể đã bỏ lỡ về sự hình thành của vũ trụ.