Tại sao người thông minh thích ở một mình?
Theo các nhà khoa học, nếu thích ở một mình và ít hưởng lợi từ người xung quanh, có thể bạn nằm trong số những người thông minh.
Các nhà khoa học tại Đại học Quản lý Singapore (Singapore) và Học viện Kinh tế London (Anh), cho rằng những người có chỉ số IQ cao thường không cảm thấy thoải mái khi phải giao tiếp xã hội thường xuyên. Hay nói cách khác, họ mong muốn dành nhiều thời gian ở một mình.
Để rút ra kết luận này, nhóm nghiên cứu đã phân tích những câu trả lời khảo sát trong một phần của nghiên cứu dài hạn quốc gia Mỹ về mức độ hài lòng, trí thông minh và sức khoẻ.
Cụ thể, nhóm đã xem xét câu trả lời của tổng cộng 15.197 người trong độ tuổi từ 18 đến 28. Kết quả cho thấy rằng, người có chỉ số thông minh cao thường không cảm thấy thoải mái ở chốn đông người. Họ thích giao tiếp với một nhóm bạn thân nhỏ.
Người thông minh thích ở một mình hoặc giao tiếp với một nhóm bạn nhỏ. (Ảnh: Unsplash).
Sự trái ngược này xuất phát từ thói quen săn bắn hái lượm của tổ tiên loài người. Theo tâm lý học tiến hoá, bộ não của con người có khả năng thích nghi đồng thời với hoàn cảnh hiện tại và môi trường sống của tổ tiên. Do vậy, não chúng ta có thể gặp rắc rối trong việc thấu hiểu và xử lý các tình huống mà mình chưa từng trải qua trong hiện tại.
Trong khi tổ tiên của chúng ta dành phần lớn thời gian tiếp xúc với bạn bè, gia đình trong khu vực dân cư thưa thớt thì con người thời nay luôn bị mắc kẹt giữa toàn những người xa lạ. Điều này là hệ quả của sự bùng nổ dân số trong vài nghìn năm trở lại đây.
Theo nhà nghiên cứu Satoshi Kanazawa: “Những cá nhân thông minh có nhiều ưu tiên và hệ giá trị bất thường khác với tổ tiên của chúng ta".
Tổ tiên loài người thường hay kiếm tìm và mong muốn kết bạn, nhưng những người thông minh trong thời đại mới lại không có nhu cầu kết bạn nhiều.
Nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra, không chỉ thích ở một mình, người thông minh hiếm khi cảm thấy họ được hưởng lợi từ bạn bè. Những cá nhân này lại có khả năng giải quyết các vấn đề một mình.