Tại sao nguy cơ đột quỵ tăng vào mùa lạnh?
Trời lạnh khiến cơ thể bị co mạch, tăng huyết áp, tăng độ nhớt của máu, nguy cơ đột quỵ tăng 20-30% so với thời tiết bình thường.
PGS.TS.BS Nguyễn Văn Liệu, Trưởng khoa Thần kinh - Đột quỵ, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết thông tin trên, giải thích mùa lạnh ở miền Bắc, miền Trung hay thời tiết thất thường ở miền Nam (ngày nóng, đêm lạnh) làm tăng nguy cơ đột quỵ xuất huyết não và nhồi máu não.
"Đột quỵ không loại trừ một ai, từ trẻ đến già", bác sĩ Liệu nói. Có rất nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh này. Trong đó yếu tố thời tiết thay đổi có thể kết hợp với chế độ ăn uống, sinh hoạt và các bệnh nền sẵn có.
Khi thời tiết lạnh, cơ thể có phản ứng mang tính tự vệ như tiết ra nhiều hormone catecholamine làm co mạch ngoại biên để giữ ấm cơ thể, dồn áp lực mạch máu trung tâm tăng lên, gây tăng huyết áp. Trong khi tăng huyết áp là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến đột quỵ.
Vào mùa đông, thói quen ăn nhiều chất béo để dự trữ năng lượng gây tăng cân. Nhiều người còn ít vận động và uống nước, cùng với hút thuốc, uống rượu bia nhiều dễ làm tăng huyết áp, tăng độ nhớt của máu, nguy cơ hình thành cục máu đông, tuần hoàn máu kém và dẫn đến đột quỵ.
Nguy cơ đột quỵ vào mùa lạnh có xu hướng tăng cao hơn ở người lớn tuổi, mắc sẵn các bệnh nền như tăng huyết áp, tiểu đường, bệnh tim mạch, béo phì, cao cholesterol, theo TS.BS Nguyễn Thị Minh Đức, Trưởng Khoa Thần kinh, Trung tâm Khoa học Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM.
Bác sĩ Đức lấy ví dụ người mắc bệnh tim có nguy cơ đột quỵ cao do cục máu đông từ chi dưới hay vùng chậu di chuyển đến tim và đi lên não. Bệnh tiểu đường cũng làm khả năng đột quỵ do viêm, tổn thương mạch máu. Người có yếu tố tiềm ẩn phình mạch, thành mạch ở não bị tổn thương dễ vỡ mạch gây xuất huyết não.
Với người trẻ, bệnh xuất phát từ các yếu tố nguy cơ lối sống như ngồi nhiều, béo phì, hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia, mất ngủ...
Một số bệnh làm tăng khả năng đột quỵ ở người trẻ như động mạch cổ có túi phình bị bóc tách, bệnh van tim, rung nhĩ, bất thường trong cấu trúc buồng tim, gene di truyền, bệnh chuyển hóa, nhiễm trùng.
Nữ giới thường bị đau nửa đầu migraine, lạm dụng thuốc tránh thai đường uống có thể gây đông máu, tổn thương trong lòng mạch và mạch máu não.
TS.BS Lê Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Khoa học Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, khuyến cáo người có các yếu tố nguy cơ chủ động tầm soát để kịp thời phát hiện bất thường, phòng tránh đột quỵ mùa lạnh.
Nhiều người tăng huyết áp mà không biết, khi suy thận, suy tim, đột quỵ não mới phát hiện bệnh. Người bị tiểu đường type 2 cũng không có triệu chứng rõ ràng, thường đến viện khi có biến chứng nhiễm trùng, vết thương lâu lành hoặc đột quỵ. Bác sĩ Tuấn dẫn nghiên cứu có khoảng 15-30% bệnh nhân tiểu đường cấp cứu, điều trị đột quỵ mới phát hiện tiểu đường.
Chụp MRI 3 Tesla tầm soát đột quỵ tại Bệnh viện Tâm Anh TP HCM. (Ảnh minh họa: Bệnh viện cung cấp)
Để tầm soát, bác sĩ cho bệnh nhân xét nghiệm máu để phát hiện bệnh tiểu đường, tim mạch gây tắc mạch máu não. Siêu âm tim giúp bác sĩ chẩn đoán nguy cơ đột quỵ. Bác sĩ có thể phát hiện các triệu chứng hồi hộp, đánh trống ngực, qua khám lâm sàng, hỏi tiền sử bệnh, cho bệnh nhân đo huyết áp, đếm mạch, điện tim, gắn máy theo dõi nhịp tim trong 24 giờ.
Chụp CT, MRI hoặc DSA hỗ trợ tầm soát, phát hiện cục máu đông, túi phình hay dị dạng mạch máu não ở bệnh nhân. Dựa vào kích thước túi phình, khối dị dạng và các bệnh đi kèm, bác sĩ đánh giá, can thiệp phù hợp.
Nhận biết dấu hiệu sớm của đột quỵ giúp cấp cứu kịp thời trong thời gian "vàng", tức khoảng 3-4,5 giờ. Riêng đột quỵ xuất huyết não trong khoảng 8 giờ kể từ khi người bệnh xuất hiện các triệu chứng đột quỵ đầu tiên như nói đớt, nói ngọng, khó nói, yếu liệt chi, méo miệng, lệch một bên mặt, đau đầu, choáng váng.
"Tùy trường hợp, khung thời gian cấp cứu đột quỵ có thể kéo dài đến 24 giờ hoặc hơn. Tuy nhiên, người bệnh nên được can thiệp càng sớm càng tốt", bác sĩ Tuấn nói.