Tại sao răng con người lại có nhiều hình dạng và kích cỡ?
Đã bao giờ bạn nhìn vào gương và tự hỏi tại sao bộ răng của mình lại có nhiều hình dạng và kích cỡ khác nhau hay chưa?
Răng giúp chúng ta nghiền nát thức ăn, phát âm, và tạo khung kết cấu cho khuôn mặt của chúng ta. Các loại răng khác nhau có những vai trò riêng biệt, đó là lý do tại sao chúng lại có hình dạng và kích cỡ đa dạng. Hãy cùng tìm hiểu từng loại răng và công dụng của chúng qua bài viết này nhé.
Các loại răng
Hình dạng của từng răng mang lại cho chúng những chức năng chuyên biệt khi nhai thức ăn.
1. Răng cửa (số lượng: 8)
Những chiếc răng nằm phía trước của hàm răng được gọi là răng cửa. Có 4 răng cửa ở hàm trên và 4 răng cửa ở hàm dưới, như vậy tổng cộng cả hàm có 8 răng cửa. Loại răng này phẳng và mỏng, có hình dạng như cái đục. Răng cửa giúp bạn cắt và nhai thức ăn thành từng mẩu nhỏ hơn ở giai đoạn đầu của quá trình nhai. Chúng còn giúp bạn phát âm và hỗ trợ cấu trúc môi và khuôn mặt.
2. Răng nanh (số lượng: 4)
Răng nanh sắc, nhọn, nằm bên cạnh răng cửa. Có 2 răng nanh ở hàm trên và 2 răng nanh ở hàm dưới. Chúng dài và nhọn, và rất cần thiết để cắn và xé thức ăn, như thịt chẳng hạn. Đó là lý do tại sao răng nanh phát triển mạnh hơn ở các loài thú ăn thịt như sư tử và hổ… và trong thế giới giả tưởng là loài ma cà rồng!
3. Răng hàm nhỏ (số lượng: 8)
Răng hàm nhỏ lớn hơn, phẳng hơn, mọc hướng vào bên trong miệng, nằm đằng sau răng nanh. Loại răng này có bề mặt phẳng với nhiều gợn nhấp nhô. Răng hàm nhỏ giúp nhai và nghiền thức ăn, biến chúng thành những mẩu đủ nhỏ để nuốt được. Người trưởng thành thường có 8 răng hàm nhỏ, trong đó 4 răng nằm ở hàm trên và 4 ở hàm dưới. Trẻ nhỏ không có răng hàm nhỏ. Loại răng này sẽ xuất hiện khi trẻ khoảng 10-12 tuổi – tức là khi trẻ mọc răng vĩnh viễn.
4. Răng hàm (số lượng 8 – 12)
Răng hàm là loại răng lớn nhất trong miệng. Chúng có kích cỡ lớn, bề mặt phẳng với gợn nhấp nhô để nhai và nghiền thức ăn. Người trưởng thành có 12 răng hàm vĩnh viễn, 6 ở hàm dưới và 6 ở hàm trên, trong khi trẻ nhỏ có 8 răng hàm sữa.
Những chiếc răng hàm cuối cùng mọc lên được gọi là răng khôn, hay răng hàm thứ ba, thường ở độ tuổi từ 17 – 21. Chúng nằm ở cuối hàm răng, ở góc trong cùng. Một số người không có đủ 4 răng khôn, hoặc răng khôn không mọc lên mà nằm yên vị trong xương hàm, không bao giờ xuất hiện trong miệng.
Các loại răng khác nhau từ trái sang phải: răng cửa, răng nanh, răng hàm nhỏ, răng hàm
Răng sữa và răng vĩnh viễn
Số lượng và loại răng của một người sẽ thay đổi theo độ tuổi. Thông thường, chúng ta có hai bộ răng trong đời: răng sữa, hay răng non, và răng vĩnh viễn, hay răng trưởng thành.
Từ khoảng 6 tháng tuổi, trẻ sơ sinh sẽ mọc hai răng đầu tiên, gọi là răng sữa hay răng non. Những chiếc răng sữa tiếp theo sẽ mọc ra sau mỗi 1 – 2 tháng cho đến khi trẻ được 2 tuổi và đã có một bộ răng sữa hoàn chỉnh. Răng sữa là răng tạm thời.
Bởi răng vĩnh viễn hình thành trong xương bên dưới răng sữa trong suốt thời thơ ấu, chân răng sữa sẽ dần bị hấp thụ vào nướu. Điều này khiến răng sữa bị lung lay và rơi ra, dành chỗ cho răng vĩnh viễn trồi lên thay thế. Những răng vĩnh viễn này còn được gọi là răng trưởng thành. Trẻ thường bắt đầu rụng răng vào khoảng năm lên 6 và quá trình này sẽ kết thúc vào khoảng năm 12 tuổi.
Răng vĩnh viễn bao gồm răng cửa, răng nanh, răng hàm nhỏ và răng hàm. Bộ răng sữa không có răng hàm nhỏ. Những chiếc răng thay thế răng hàm sữa được gọi là răng hàm nhỏ thứ nhất và thứ hai. Bởi xương hàm tiếp tục phát triển xuyên suốt tuổi dậy thì nên sẽ luôn có không gian trống dành cho răng hàm. Những chiếc răng hàm vĩnh viễn đầu tiên thường xuất hiện vào khoảng 6 tuổi, trong khi những răng hàm vĩnh viễn thứ hai xuất hiện năm 12 tuổi.
Những răng hàm vĩnh viễn thứ ba, hay răng khôn, thường không trồi lên cho đến khoảng năm 17 – 25 tuổi, nhưng đôi lúc chúng không bao giờ xuất hiện – có thể chúng vẫn nằm ẩn trong hàm, hoặc đơn giản là không có. Tổng cộng, người trưởng thành có 32 răng vĩnh viễn, dù trước đó chúng ta chỉ có 20 răng sữa mà thôi.
Bộ răng vĩnh viễn: vàng – răng cửa, xanh dương – răng nanh, cam – răng hàm nhỏ, xanh lá – răng hàm
Tạm kết
Những loại răng khác nhau – răng cửa, răng nanh, răng hàm nhỏ, và răng hàm – đều có vai trò chuyên biệt và quan trọng, giúp chúng ta nhai và nghiền nhỏ thức ăn phục vụ quá trình tiêu hoá. Răng còn hỗ trợ phát âm và tạo hình dạng cho khuôn mặt chúng ta. Chúng ta có hai bộ răng trong cuộc đời – bộ răng sữa gồm 20 răng và bộ răng vĩnh viễn gồm 32 răng.