Tái tạo ngôi đền đầu tiên của La Mã bằng kỹ thuật số
Các nhà khoa học đã tái tạo lại ngôi đền chính sớm nhất La Mã – đền thờ thần Mặt trời Apollo, được cho là do hoàng đế La Mã đầu tiên Augustus xây dựng, bằng biện pháp kỹ thuật số. Ngôi đền này có niên đại từ năm 28 trước Công nguyên, tàn tích của nó nằm trước quần thể cung điện của Hoàng đế trên ngọn đồi Palatine nổi tiếng, nơi phát hiện ra hang động huyền thoại thành Rome.
Cho đến nay mọi người vẫn chưa hiểu hết về thiết kế nguyên sơ của ngôi đền, một phần vì tình trạng bảo quản nghèo nàn của phế tích trên. Hơn nữa, những nỗ lực trước kia dành cho việc mô phỏng lại ngôi đền đều dựa trên những đánh giá lịch sử lỗi thời hơn là bản thân phế tích.
Stephan Zink, nghiên cứu sinh tại Đại học Pennsylvania, đã khảo sát lại khu vực này và những tàn tích khảo cổ còn sót lại để đưa ra những phép tính mới và những dữ liệu khác có thể tái tạo chính xác ngôi đền. “Công trình tái tạo này cung cấp những điểm tham khảo hoàn toàn mới – không chỉ cho các nhà khảo cổ và học giả nghiên cứu về thiết kế đền đài thời Augustus, mà cũng có ích cho những sử gia cổ đại và các nhà cổ điển học.”
Thời kỳ Augustus của Đế chế La Mã kéo dài từ năm 43 trước Công nguyên đến năm 18 sau Công nguyên, là thời kỳ nở rộ của khoa học, chính trị, công nghệ và kiến trúc. Đền thờ thần Apollo là dự án đền thờ đầu tiên của Augustus và có vai trò quan trọng đối với Hoàng đế trong việc bảo vệ quyền lực của mình.
Zink cho biết: “Công trình tái thiết mới khép lại một khoảng trống quan trọng trong kiến thức nhân loại về lịch sử kiến trúc của thời đại này và mở ra những khả năng tái đánh giá nhiều mặt trong văn hóa thời Augustus.”
Zink đã trình bày những phát hiện của mình tại buổi họp tháng giêng của Viện Khảo cổ Mỹ.
Ảnh kỹ thuật số cho thấy mặt tiền được tái tạo của Đền thờ thần Mặt trời Apollo (ảnh trên bên trái) và chi tiết của các cột (trên bên phải) - (Ảnh: National Geographic) |
Quá khứ và hiện tại
Zink đã tiến hành công việc tại đồi Palatine từ 2005 đến 2007. Ông nghiên cứu khoảng nền còn sót lại của đền và những mảnh đá cẩm thạch vương vãi trong khu vực. Tất cả những phế tích còn lại ngày nay có kích thước lớn và có thể là những khối bê-tông La Mã, từng là khu vực trung tâm của bậc nền ngôi đền.
Những phần của nền từng chống đỡ những cây cột và bức tường được xây bằng những khối đá kết lại, được gọi là đá tạo thành từ tro núi lửa, đã biến mất hoàn toàn. Nhưng một số mảnh kiến trúc ví dụ như một khu vực giao các cột toàn vẹn đã tồn tại được và nằm khắp khu vực.
Bằng việc kết hợp các dữ liệu thực tế và những công trình nghiên cứu trước từ những năm 50 và 60, Zink có thể khôi phục lại phần lớn những số đo chủ chốt của ngôi đền và tái hiện cả khu vực này bằng kỹ thuật số. “Khi nhìn vào khu vực này ngày nay, thật khó tưởng tượng nơi đây đã từng có một ngôi đền cao tương đương một căn hộ 10 tầng.”
Công trình tái tạo
Nghiên cứu mới của Zink tái thiết vị trí sơ khai của mỗi cột và đặt những mảnh đá còn lại vào đúng vị trí. Khi thực hiện công trình tái tạo, ông cũng xem xét cẩn thận những kế hoạch thiết kế của Marcus Vitruvius Pollio, một kỹ sư và kiến trúc sư La Mã nổi tiếng dưới thời của Augustus.
Mặt tiền của công trình, theo mô hình mới cho thấy một cấu trúc có nguồn gốc từ truyền thống địa phương với những nét tương tự như những ngôi đền Hellenistic và Hy Lạp nổi tiếng, những công trình mà người ta cho là có ảnh hưởng lên tác phẩm của Vitruvius.
Zink cho biết: “Chỉ cần ngôi đền này hiện hữu một lần nữa, việc thực hiện một bản đánh giá sâu rộng thiết kế của nó là hoàn toàn có thể. Lần đầu tiên, những câu hỏi như: Thiết kế của nó mô phỏng theo hình mẫu nào?, Công trình này so sánh với những ngôi đền khác của đế quốc La Mã ra sao?, Ý nghĩa biểu tượng của thiết kế ngôi đền trong bối cảnh lịch sử và chính trị của nó là gì? có thể được trả lời dựa trên dữ liệu thực tế từ công trình.”
Birte Poulsen, nhà khảo cổ học tại Đại học Aarhus, Đan Mạch cho rằng công trình nghiên cứu của Zink đã đem lại những thông tin rất quan trọng về cấu trúc của La Mã thời kỳ đầu.
“Những phương pháp có vẻ thuyết phục và Zink đang có những kết quả khả quan. Đền thờ thần Apollo là một trong những công trình quan trọng từ thời Augustus. Những kiến thức sâu rộng hơn về Đền thờ thần Mặt trời Apollo sẽ giúp chúng ta biết thêm về kiến trúc thời Augustus nói chung, và kiến trúc La Mã dưới thời Augustus nói riêng.”
Phế tích ngôi đền ngày nay. (Ảnh: National Geographic) |