Tàu vũ trụ Mỹ chụp ảnh vực sâu nhất Hệ Mặt trời
Tàu Mars Reconnaissance Orbiter chụp ảnh hẻm núi Valles Marineris dài gấp gần 10 lần và sâu gấp 3 lần hẻm Grand Canyon ở Mỹ.
Vực Valles Marineris là hệ thống hẻm núi khổng lồ sâu hun hút trải dài 4.000km dọc theo xích đạo sao Hỏa, chiếm gần 1/4 chu vi hành tinh. Đường rãnh ở lớp đá nền của sao Hỏa dài gấp gần 10 lần Grand Canyon và sâu hơn gấp 3 lần, trở thành hẻm núi lớn nhất hệ Mặt Trời. Theo nghiên cứu của Đại học Arizona (UA) tại Tucson, đây cũng là một trong những hẻm núi bí ẩn nhất.
Một phần hẻm núi Valles Marineris trong ảnh chụp cận cảnh từ camera HiRISE. (Ảnh: NASA/UA).
Sử dụng camera có độ phân giải siêu cao mang tên HiRISE (High Resolution Imaging Science Experiment) trên tàu quay quanh quỹ đạo Mars Reconnaissance Orbiter, các nhà khoa học UA chụp ảnh cận cảnh những đặc điểm kỳ lạ nhất của sao Hỏa từ năm 2006. Dù thu được những bức ảnh thực sự ấn tượng về Valles Marineris như bức ảnh công bố hôm 26/12/2020, nhóm nghiên cứu vẫn không biết chắc tổ hợp hẻm núi khổng lồ này hình thành như thế nào.
Khác với hẻm núi Grand Canyon trên Trái đất, Valles Marineris có thể không phải do nước mài mòn trong hàng tỷ năm tạo thành. Hành tinh đỏ quá nóng và khô để có thể tồn tại một con sông lớn tới mức cắt ngang qua lớp vỏ như vậy. Tuy nhiên, Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) cho biết có bằng chứng dòng nước có thể đào sâu thêm một số đường rãnh của hẻm núi cách đây hàng trăm triệu năm.
Phần lớn hẻm núi có thể nứt toác từ hàng tỷ năm trước khi một nhóm núi lửa ở gần đó mang tên Tharsis lần đầu tiên nhô lên từ bề mặt sao Hỏa, theo ESA. Khi magma sục sôi bên dưới các siêu núi lửa này (trong đó có Olympus Mons, núi lửa lớn nhất hệ Mặt Trời), lớp vỏ hành tinh nhanh chóng bị kéo căng, rách toạc và cuối cùng sụp đổ thành nhiều vùng lõm và thung lũng tạo nên hẻm núi Valles Marineris ngày nay.
Các bằng chứng hé lộ những vụ sạt lở đất sau đó, dòng chảy magma và thậm chí một số con sông cổ đại có thể góp phần khiến hẻm núi tiếp tục bị xói mòn. Phân tích sâu hơn dựa trên ảnh chụp độ phân giải cao sẽ giúp giới nghiên cứu tìm hiểu nguồn gốc của hẻm núi vĩ đại nhất hệ Mặt Trời.

Tìm hiểu về tia gamma và chớp gamma
Tia gamma (kí hiệu là γ) là một loại bức xạ điện từ hay quang tử có tần số cực cao.

Phát hiện thêm "ngôi nhà tương lai" cho loài người
Trong hành trình khám phá vũ trụ và tìm kiếm các hành tinh có khả năng sống, các nhà khoa học đã phát hiện ra một hành tinh đáng chú ý mang tên Gliese 667C c.

Trái đất sẽ bị huỷ diệt vào năm 2029 hay 2036?
Nhiều nhà nghiên cứu tin rằng một tiểu hành tinh có thể va chạm vào Trái đất vào bất cứ lúc nào. Và các số liệu thống kê cho thấy rằng một thiên thể to cỡ quả bóng đá hoàn toàn có khả năng huỷ diệt sự sống trên trái đất

Hành tinh "siêu Trái Đất" có thể chứa sự sống
Một ngoại hành tinh ở cách 111 năm ánh sáng có thể là phiên bản lớn của Trái Đất với những điều kiện phù hợp cho sự sống.

Màu sắc thực sự của Mặt trời là gì?
Con người thường thấy Mặt Trời màu vàng nhưng thực chất, ngôi sao này phát ra ánh sáng mạnh nhất màu xanh.

Làm thế nào để nhìn thấy dải Ngân hà?
Dưới một bầu trời đêm quang đãng, không trăng và vắng ánh đèn thành phố, bạn sẽ thấy vẻ đẹp lộng lẫy của thiên hà.
