Tên lửa Trung Quốc phóng hỏng làm mất hai vệ tinh
Tên lửa nhiên liệu rắn Khoái Châu 1A phóng hỏng sau khi cất cánh vào tối 14/12, làm mất hai vệ tinh thương mại dùng để thử nghiệm tăng cường định vị cho xe tự lái.
Tên lửa chở hàng nhẹ Khoái Châu 1A cất cánh từ Trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền ở sa mạc Gobi vào 9 giờ tối ngày 14/12 theo giờ địa phương. Phương tiện phóng hỏng sau đó vài giờ, nhà chức trách đang điều tra và phân tích nguyên nhân cụ thể. Chuyến bay chở theo hai vệ tinh đầu tiên của Geespace, chi nhánh của hãng xe Geely. Bộ đôi vệ tinh này sẽ thử nghiệm hỗ trợ định vị và kết nối cho xe tự lái.
Tên lửa Khái Châu 1A nằm trên bệ phóng trước sự cố. (Ảnh: CASIC)
Thất bại này ảnh hưởng lớn tới nhà cung cấp dịch vụ phóng thương mại Expace, chi nhánh của Tập đoàn Khoa học và Công nghiệp Hàng không vũ trụ Trung Quốc (CASIC). CASIC và Expace đã lên kế hoạch thực hiện 7 vụ phóng trong 3 tháng tới cho nhiều khách hàng. Tên lửa Khoái Châu 1A nhiều khả năng sẽ ngừng hoạt động cho tới khi có kết luận điều tra và vấn đề gây ra sự cố được giải quyết.
Expace đã 3 lần phóng thành công tên lửa Khoái Châu 1A vào các tháng 9, 10, 11. Trước đó, tên lửa Kuaizhou-1A từng phóng hỏng vào tháng 9/2020. CASIC và các chi nhánh cũng lên kế hoạch tạo chòm 80 vệ tinh băng tần hẹp mang tên Xingyun và dự kiến phóng ít nhất 12 vệ tinh Xingyun-2 năm 2022.
Nhiệm vụ mới nhất là lần bay thứ 14 của tên lửa Khoái Châu 1A và lần phóng hỏng thứ hai. Lần phóng đầu tiên của tên lửa này diễn ra vào tháng 1/2017. Phương tiện bao gồm 3 tầng nhiên liệu rắn và một tầng trên cùng sử dụng nhiên liệu đẩy lỏng. Khoái Châu 1A có thể chở khối hàng 200 kg lên quỹ đạo đồng bộ mặt trời (SSO) ở độ cao 700 km so với bề mặt Trái Đất.
Geely không tiết lộ chi tiết cụ thể về cặp vệ tinh. Hồi tháng 3/2020, công ty công bố kế hoạch xây dựng nhà máy 326 triệu USD ở Thai Châu, Chiết Giang. Nhà máy bắt đầu sản xuất vệ tinh vào tháng 10 năm nay với công suất hơn 500 vệ tinh mỗi năm.