Thêm một bí ẩn của ngôi đền thiêng Mexico thách thức giới khoa học
Với vị trí nằm sâu trong đất liền, phát hiện này lại làm dày thêm màn sương bí ẩn vẫn đang bao trùm lên ngôi đền thiêng này.
Các nhà khoa học làm việc trong Dự án Templo Mayor (PTM) đã tìm thấy mẫu vật đặc biệt này trong một chiếc hòm hiến tế bằng đá tezontle (một vật liệu phổ biến của các nền văn hóa Trung Bộ châu Mỹ cổ đại) dài 1,4m, rộng gần 1m được đánh số 178. Theo nhà khảo cổ Miguel Báez, ở trung tâm hòm là hóa thạch của một cá thể mèo lớn, giới tính cái, khả năng là một con báo đốm, ngoài ra còn có một bức tượng đồng dài khoảng 20cm đã bị hư hỏng nặng, dường như tượng trưng cho một vị thần nước.
Hóa thạch sao biển.
Một yếu tố khiến chiếc hòm 178 thu hút sự chú ý của các nhà khoa học là tàn tích của các loại san hô thuộc họ gorgonian và hóa thạch của nhiều cá thể sao biển, song không có mẫu vật nào có cấu trúc và hình dạng gần như hoàn hảo như cá thể mới được phát hiện. Ông Báez cho biết cá thể đặc biệt này được tìm thấy ở tầng khai quật thứ tư, và ước lượng có khoảng trên 100 mẫu vật sao biển trong chiếc hòm này. Dường như tất cả các cá thể này đều cùng loài, điều này có nghĩa là tại một thời điểm nào đó, người xưa đã đưa toàn bộ đàn sao biển, san hô và con báo đốm đến địa điểm này.
Sau nhiều thập kỉ khai quật, giới khoa học đã tìm thấy mẫu vật của hàng chục nghìn loài sinh vật ở Templo Mayor, được phân thành 6 nhóm chính là bọt biển, động vật có gai, da gai, chân đốt, thân mềm và động vật có dây sống (như cá sụn, cá xương, lưỡng cư, bò sát, chim và thú có vú). Mẫu vật ếch, thỏ, rùa, hươu nai và đặc biệt là hóa thạch của các loài động vật thuần hóa như gà tây và chó cũng rất phổ biến. Tuy nhiên, sự hiện diện của sao biển Nidorelia armata rất đặc biệt, vì loài này có đặc tính sẽ chết chỉ vài phút hoặc vài giờ sau khi rời khỏi môi trường biển. Do đó, câu hỏi đặt ra là làm thế nào người Mexica cổ đại có thể vận chuyển số lượng sao biển khổng lồ từ Thái Bình Dương vào hơn 300km trong đất liền.
Lí giải sự hiện diện của các sinh vật biển bên cạnh báo đốm, nhà khảo cổ Miguel Báez cho rằng điều này liên quan đến vũ trụ quan của người cổ đại. Theo đó, người xưa tin rằng tạo hóa có 3 không gian vĩ đại: một là thế giới ngầm do nước đại diện; mặt đất nơi con người sinh sống, đại diện là các loài động vật trên cạn như rắn và thú có vú; và bầu trời của các loài chim. Trong chiếc hòm 178, các sinh vật biển đại diện cho đại dương hay thế giới ngầm, song các nhà khoa học chưa thể chắc chắn con báo đốm tượng trưng cho điều gì. Thông thường các con thú sẽ được phục sức để hiến tế, nhưng các nhà khảo cổ vẫn chưa có được hình ảnh hoàn chỉnh của con báo, những đồ tạo tác và loại hình biểu tượng được chôn cùng với con vật.
Templo Mayor (nghĩa là Ngôi đền Vĩ đại) là di tích của người Mexica cai trị Đế chế Aztec vào thế kỷ 14 và 15. Templo Mayor là trái tim linh thiêng của Tenochtitlan - thủ đô Aztec, và được cho là nơi diễn ra nhiều vụ hiến tế. Các nhà khảo cổ lần đầu tiên phát hiện dấu tích của Đền Templo Mayor vào năm 1914. Tuy nhiên, công tác khai quật tại di chỉ khảo cổ này chỉ thực sự được tiến hành trong thập niên 70 của thế kỷ trước. Trung tâm lịch sử này của thủ đô Mexico City được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa thế giới vào năm 1987.