"Thuốc lá đáng sợ hơn cả bệnh thế kỷ"
Mỗi năm Việt Nam có khoảng 40.000 ca tử vong do sử dụng thuốc lá, trong khi đó số trường hợp tử vong do HIV/AIDS cộng dồn từ trước đến tháng 3/2008 cũng mới chỉ xấp xỉ con số này.
"Năm 2007 số người chết vì tai nạn giao thông tại Việt Nam là 13.200. Nhìn con số này ai cũng thấy sợ, thực tế, con số này chưa bằng một phần ba số ca tử vong do thuốc lá mỗi năm thế nhưng không ai thấy sợ", thạc sĩ Phạm Hoàng Anh, Giám đốc Văn phòng HealthBridge Canada tại Việt Nam cho biết trong một hội thảo cuối tháng tư vừa qua tại Hà Nội.
Cũng theo bà, các chuyên gia dự báo số ca tử vong sẽ tăng lên tới khoảng 70.000 nếu các biện pháp kiểm soát thuốc lá hiệu quả không được thực hiện. Nghiên cứu mới đây cho thấy, trong khói thuốc lá có đến 7.000 chất độc hại chứ không phải 4.000, trong đó ít nhất 70 chất gây ung thư. Không chỉ người trực tiếp hút bị ảnh hưởng mà cả những người hút thụ động cũng có nguy cơ cao mắc các bệnh như ung thư.
Ảnh minh họa.
Theo một nghiên cứu được tiến hành tại Bệnh viện K, với những người hút thuốc trong vòng 6 tháng, khả năng bị ung thư phổi cao gấp 6,5 lần so với người không hút. Họ cũng chết sớm hơn người không hút đến 20 năm.
Đặc biệt, trẻ sống trong gia đình có người hút thuốc cũng có nguy cơ mắc các bệnh viêm phế quản, viêm phổi, chết đột ngột, hen suyễn cao gấp 8 lần so với trẻ khác.
Thuốc lá không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn là gánh nặng kinh tế với cá nhân, gia đình và xã hội. Một trong những biện pháp được coi là hữu hiệu để giảm số người hút thuốc là in cảnh báo tác hại bằng hình ảnh trên vỏ bao. Nhưng tại Việt Nam, thông tin mới chỉ bằng chữ, nội dung lời cảnh báo yếu và hầu như không có tác động tới người tiêu dùng.
Khảo sát thực tế cho thấy chỉ gần 40% người hút thuốc nhớ được nội dung cảnh báo “hút thuốc có thể gây ung thu phổi". Nguyên nhân là do lời cảnh báo không bắt mắt, nội dung không có gì liên quan đến mình, in quá nhỏ, màu chữ khó nhìn.
"Bộ Y tế đã có lộ trình in cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh từ năm 2007, Thủ tướng Chính phủ cũng đã quy định vấn đề này. Nhưng không hiểu vì lý do gì, đến nay biện pháp này vẫn chưa được thực hiện", bà Hoàng Anh chia sẻ.
Cũng theo bà, một trong những nghịch lý nữa về thực trạng thuốc lá tại Việt Nam là dù có quy định xử phạt hành chính với những người vi phạm quy định cấm hút thuốc nơi công cộng nhưng không thực sự phát huy hiệu quả.
"Không có chế tài xử phạt, nhiều người vẫn ngang nhiên hút ở bệnh viện, trường học, nơi công cộng có mái che. Bộ Y tế hầu như không ghi nhận được trường hợp phạt nào", bà Hoàng Anh nói.
Các chuyên gia khuyến cáo, để giảm số người hút thuốc, chi phí và gánh nặng bệnh tật do thuốc lá cần sử dụng những hình ảnh cảnh báo gây sốc, đặt hình ảnh trên mặt trước và ở phía trên của bao bì, in các hóa chất gây ung thư có trong thuốc lá trên cạnh bao thuốc như carbonmonoxit, xianua, formaldehyde… Biện pháp này ước tính giảm 300-700 ca tử vong sớm mỗi năm do hút thuốc lá trong hai thập kỷ tới tại Việt Nam.
Tổ chức Y tế thế giới đã tiến hành một thử nghiệm với 400 điếu thuốc cho thấy tác hại của thuốc lá đến lá phổi của con người. Mỗi điếu thuốc có chứa 18 mg nhựa (hay còn gọi là hắc ín). Kết quả cho thấy, khi đốt hết 150 điếu thuốc thì màu nước trong bình (tượng trưng cho lá phổi) đã chuyển từ màu trắng trong sang màu vàng như nước chè pha loãng. Khi đốt đến điếu thứ 380 thì nước đã chuyển thành màu đen đặc do thấm nhựa. Tiến hành đun chỗ nước này lên, các nhà khoa học thu lại được 7,2g nhựa, rất dính và đắng. |