Tiếp tục giải mã bí ẩn tại Thành Nhà Hồ
Liên tục gần đây, sau khi di sản Thành Nhà Hồ được công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới, các nhà khoa học và ngành chức năng địa phương đã có những phát hiện mới trong quá trình khai quật, khảo sát, sưu tầm.
>>> Tìm thấy hiện vật lạ trong thành nhà Hồ
Giếng lâu năm bỏ hoang
Ông Nguyễn Xuân Toán, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ cho hay, vừa qua, trong quá trình khảo sát, sưu tầm, nghiên cứu, cán bộ trung tâm đã phát hiện một cái giếng lâu năm bỏ hoang tại làng Xuân Giai, xã Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc. Giếng này nằm cách Thành Nhà Hồ chừng 300 m về phía đông- nam, có hình tròn, đường kính 2m, sâu 6m, thành giếng cao 1m.
Ghi nhận của cán bộ trung tâm qua lời kể của cụ Phạm Thế Vinh, 90 tuổi, ở làng Xuân Giai thì những năm 1946-1947, giếng trên được dân làng cải tạo trên cơ sở giếng cũ bằng gạch bìa lấy từ Thành Nhà Hồ. Những viên gạch kè giếng dài 50cm, rộng 25cm, cao 9cm.
Hầu hết số gạch này đều giữ được màu hồng tươi, chín đều. Trên bề mặt nhiều viên gạch có khắc chữ Hán Nôm ghi nguồn gốc làng quê sản xuất như: Đại An xã, Kẻ Nưa xã thạch, Cổ Lôi xá (huyện Thọ Xuân ngày nay).
Các cụ trong làng Xuân Gia ngày nay không ai biết giếng xuất hiện khi nào. Họ chỉ biết hồi nhỏ mình và dân cả làng đều dùng nước giếng đó. Hiện sau nhiều năm bỏ hoang không có người sử dụng, quanh giếng rong rêu, cỏ dại mọc đầy.
Ông Nguyễn Xuân Toán cho biết: Nhiều người khẳng định giếng này đã có cách đây hàng trăm năm, tuy nhiên về niên đại chính xác liên quan đến sự ra đời của giếng thì cần có nghiên cứu.
Hiện vật lạ bí ẩn
Hiện vật lạ vừa được phát hiện.
Tháng 12 vừa rồi các nhà khảo cổ cũng phát hiện ra những hiện vật lạ nằm trong di sản Thành Nhà Hồ khi khai quật tại đường Hoàng Gia, khu vực Hào thành phía Đông và khu vực cổng bắc của di sản.
Các hiện vật này đều được chế tác từ đá vôi xanh có chủng loại tương tự đá dùng để xây Thành Nhà Hồ, kiểu dáng dạng quả cân hình thang, có lỗ tròn xuyên qua phần thân phía trên, trọng lượng lên tới hàng tấn.
Bước đầu, có nhiều quan điểm khác nhau của các nhà nghiên cứu cũng như trí thức địa phương về công năng sử dụng của hiện vật này.
Có nhà khoa học cho rằng đây có thể là đối trọng của đòn bẩy bắn đá được dùng để bắn các viên bi đá phục vụ quân sự của nhà Hồ và thời điểm cuối thế kỷ 14- đầu thế kỷ 15.
Nhiều người lớn tuổi ở địa phương cho rằng đây là công cụ để cột voi (một loại động vật được nhà Hồ sử dụng để vận chuyển đá).
Trong khi đó, theo TS. Đỗ Quang Trọng- Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ thì đây chính là đối trọng của ròng rọc kéo đá lên xây thành. Vào cuối thế kỷ 14 đầu thế kỷ 15, kỹ thuật xây dựng chưa phát triển, đa phần dựa vào sức lao động thủ công thì việc phát minh ra ròng rọc kéo đá lên cao được xem là sáng tạo tài tình của những thợ xây dựng thời Hồ.
Tùy thuộc vào khối lượng của những khối đá lớn hay nhỏ cần kéo lên để xây dựng mà những người thợ kết hợp một hoặc nhiều dụng cụ này để làm đối trọng cho ròng rọc.
Hiện vật này đã được đưa vào trưng bày tại khu di sản. Những cách lý giải khác nhau khiến nhiều phát hiện tại di sản Thành Nhà Hồ đang là bí ẩn cần được tiếp tục nghiên cứu.