Tìm ra liệu pháp cải thiện hiệu quả chứng khó đọc
Theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học châu Âu đăng tải trên Kỷ yếu của Viện khoa học Quốc gia ngày 5/6, việc mở rộng khoảng cách giữa các chữ cái trong văn bản giúp những người mắc chứng khó đọc có thể đọc nhanh hơn và tốt hơn.
Các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu những trẻ em ở Italy và Pháp trong độ tuổi từ 8-14 bị mắc chứng khó đọc, khi cho các em đọc văn bản có khoảng cách chữ cái rộng hơn mức tiêu chuẩn thì độ chính xác từ bài đọc tăng gấp đôi và tốc độ đọc cũng tăng hơn 20%.
Các nhà nghiên cứu đã xem xét 54 trẻ em Italy và 40 trẻ em Pháp bị mắc chứng khó đọc, họ cho chúng đọc một văn bản ngắn với chỉ 24 dòng trong hai dạng khoảng cách giữa các chữ cái theo mức tiêu chuẩn và cả khi khoảng cách này được mở rộng hơn.
Trong văn bản tiêu chuẩn, các chữ được in bằng font Times-Roman với kích cỡ in là 14 (1 điểm = 0.353mm). Còn trong văn bản mở rộng, khoảng cách giữa các chữ cái được tăng lên 2,5 điểm, nên khoảng cách giữa chữ "i" và chữ "l" trong từ "il" của Italia là 2,7pt trong văn bản thường và 5,2pt trong văn bản mở rộng. Khoảng cách giữa các hàng trong văn bản cũng được tăng lên để cho thấy một khoảng cách trống tương ứng trên trang giấy.
Những đứa trẻ sẽ được cung cấp hai văn bản có khoảng cách chữ cái khác nhau bằng tiếng mẹ đẻ của chúng. Thời gian thử nghiệm về trí nhớ và tốc độ đọc là hai tuần. Kết quả cho thấy ở văn bản mở rộng, trẻ em bị chứng khó đọc có tốc độ đọc hiểu nhanh hơn gấp hàng chục lần so với khi đọc văn bản có khoảng cách tiêu chuẩn. Thậm chí cách này cũng thu được hiệu quả bất ngờ ở cả những trẻ em có vấn đề trầm trọng về việc nhận dạng chữ.
Chứng khó đọc chính là sự rối loạn phát triển gắn với sự cố tại một phần của bộ não, gây khó khăn cho việc nhận biết và diễn giải ngôn ngữ ở người. Chứng bệnh này đã tác động tới khoảng 15% dân số Mỹ, và chưa có cách chữa hữu hiệu.
Ông Marco Zorzi, phụ trách khoa tâm lý tổng hợp từ Trường đại học Padova (Italy) khẳng định: "phát hiện của chúng tôi là một liệu pháp sẽ cải thiện chứng khó đọc một cách hiệu quả, giúp người bệnh đạt hiệu quả cao trong việc đọc hiểu mà không cần đến thời gian rèn luyện".