Tìm thấy hóa thạch người tiền sử cổ xưa nhất ở châu Âu
Các nhà khoa học công bố phát hiện một mảnh xương của người tiền sử có niên đại ước tính cách đây tới 1,4 triệu năm ở Tây Ban Nha.
Video: Reuters
Trong báo cáo vào hôm 8/7, nhóm nghiên cứu từ tổ chức khảo cổ Atapuerca Foundation cho biết hóa thạch bao gồm xương hàm trên và xương gò má được tìm thấy vào cuối tháng trước trên dãy núi Atapuerca ở miền bắc Tây Ban Nha, nơi chứa đựng một trong những hồ sơ phong phú nhất về sự hiện diện của người tiền sử ở châu Âu.
Các tác giả vẫn đang phân tích mảnh xương tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc gia về Sự tiến hóa của Con người (CENIEH) ở thành phố Burgos, cách Atapuerca khoảng 10 km, để xác định chính xác niên đại và loài cụ thể mà nó thuộc về. Quá trình này cần rất nhiều thời gian và có thể mất từ 6 đến 8 tháng để hoàn thành, theo nhà cổ sinh vật học Jose-Maria Bermudez de Castro, đồng giám đốc dự án tại Atapuerca Foundation.
Mảnh xương người tiền sử có thể là cổ xưa nhất ở châu Âu.
Phân tích ban đầu tiết lộ hóa thạch ở Atapuerca có thể đã 1,4 triệu năm tuổi. Nếu ước tính này là chính xác, nó sẽ trở thành mẫu vật người tiền sử lâu đời nhất từng được tìm thấy ở châu Âu, sớm hơn 0,2 triệu năm so với kỷ lục hiện tại - mảnh xương hàm 1,2 triệu năm tuổi được khai quật tại cùng địa điểm vào năm 2007.
"Những gì chúng tôi có thể nói bây giờ là chúng tôi đã tìm thấy một hóa thạch rất quan trọng và thú vị, thuộc về một trong những quần thể người đầu tiên đến châu Âu", Castro nhấn mạnh.
Địa điểm khảo cổ Atapuerca được UNESCO đưa vào danh sách Di sản Thế giới vào năm 2000, giúp nó nhận được các nguồn tài trợ bảo tồn của Liên Hợp Quốc. Khu vực này chứa hàng nghìn hóa thạch họ Người (Hominidae) và các công cụ sơ khai, trong đó có một viên đá lửa 1,4 triệu năm tuổi được phát hiện vào năm 2013.