Tổ khủng long 193 triệu năm tuổi chứa trứng với phôi nguyên vẹn vừa được phát hiện ở Argentina
Các nhà cổ sinh vật học cũng tìm thấy 80 bộ xương của khủng long Mussaurus gần tổ - chứng tỏ chúng sống thành bầy đàn.
Di chuyển theo đàn đã là một đặc điểm tiến hóa hỗ trợ sinh tồn của động vật ăn cỏ trong hàng triệu năm, vì đi theo nhóm lớn sẽ giúp cho chúng được bảo vệ tốt hơn khỏi những kẻ săn mồi. Đáng chú ý, các nhà nghiên cứu ở Argentina vừa phát hiện ra bằng chứng sớm nhất cho thấy khủng long cũng làm điều tương tự - sớm hơn 40 triệu năm so với lý thuyết ban đầu.
Trong quá trình kiểm tra nghĩa địa khủng long 193 triệu năm tuổi, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra hơn 100 quả trứng (một số còn nguyên phôi thai) và 80 bộ xương, tất cả đều đến từ một loài khủng long họ hàng xa của Brontosaurus - loài Mussaurus patagonicus.
Như được công bố trên tạp chí Scientific Reports, nghiên cứu này cho rằng những con khủng long này đã đi cùng nhau thành bầy đàn, chúng có kích thước và độ tuổi tương tự nhau trước khi chết trong một đợt hạn hán đột ngột. Một cuộc khai quật trước đó của khu vực này vào những năm 1970 đã phát hiện ra bộ xương Mussaurus chỉ dài khoảng 20 cm.
Dựa vào cấu tạo của xương chậu và các chi hóa thạch, các nhà cổ sinh vật học phán đoán rằng Mussaurus là một loài khủng long prosauropod (một họ thuộc khủng long dạng chân thằn lằn trong Plateosauria. Plateosauridae là một trong những họ khủng long đầu tiên của phân bộ Sauropodomorpha tồn tại ở châu Á, châu Âu và Nam Mỹ).
Thời điểm này giới khảo cổ đã tưởng nhầm rằng những bộ xương này đến từ khủng long trưởng thành, và tin rằng Mussaurus là loài khủng long nhỏ nhất từng được phát hiện nên đã đặt biệt danh cho chúng là "khủng long chuột". Khi quá trình nghiên cứu tiếp tục thì hóa ra những hóa thạch này lại đến từ những con non, các nhà cổ sinh vật học đã phỏng đoán rằng Mussaurus trưởng thành có thể dài tới vài mét và là một loài khủng long cỡ trung bình.
Vào năm 2012, nhà cổ sinh vật học Diego Pol đã quyết định tái khám phá khu vực này. Vào năm 2013, ông đã tìm thấy những mẫu vật khủng long trường đầu tiên của loài này - trong tư thế đan xen vào nhau. Bằng chứng mới này cho thấy những con khủng long Mussaurus thực sự chỉ nặng dưới 2 tấn, đạt chiều dài khoảng gần 8 mét.
Tuy nhiên những khám phá ban đầu đó lại cung cấp cho các nhà khoa học nhiều thông tin hơn những gì họ có thể tưởng tượng về cấu trúc sống của loài khủng long đã tuyệt chủng này, thì khám phá gần đây nhất của giới khảo cổ lại một lần nữa khiến cho họ cảm thấy kinh ngạc vì loài khủng long này.
Mussaurus không phải là loài khủng long nhỏ nhất, nhưng hóa thạch của nó đã cung cấp thông tin có giá trị cho những nghiên cứu ban đầu về mô hình sinh trưởng của loài sauropod.
Pol nói: "Tôi quyết định tái khám phá khu vực này nhằm mục đích tìm ít nhất một bộ xương khủng long hoàn chỉnh. Tuy nhiên khám phá kết thúc với một kết quả nằm ngoài sự mong đợi - 80 bộ xương và hơn 100 quả trứng (một số còn phôi được bảo quản bên trong!)".
Sau khi vận chuyển 30 quả trứng từ nơi làm tổ của khủng long đến phòng thí nghiệm ở Grenoble, Pháp, Pol và các đồng nghiệp của ông đã khám phá cấu trúc hóa thạch tổ của khủng long bằng công nghệ tia X mà không làm hỏng vỏ. Phân tích xương cho thấy hầu hết những con non dưới một tuổi và được chôn cùng nhau - giống như một số con trưởng thành.
Pol nói: "Có thể chúng đang nghỉ ngơi cùng nhau và có thể chết trong một đợt hạn hán. Điều này tương thích với một đàn và trong đó các con vật gần nhau để nghỉ ngơi, kiếm ăn hoặc thực hiện các hoạt động hàng ngày khác".
Bằng cách sử dụng một bộ hóa thạch còn khá nguyên vẹn, các nhà khoa học đã tạo ra một mô hình 3D để nhận dạng đâu là trọng tâm của cả cơ thể loài khủng long nói trên. Ở giai đoạn đầu đời, Mussaurus có đầu và cổ khá phát triển nên sẽ có phần đầu và cổ nghiêng về phía trước như một cách nhằm hỗ trợ cho sự phát triển của các cánh tay. Nhưng trong các giai đoạn phát triển về sau, đuôi của chúng bắt đầu trở nên to và dài hơn, trọng tâm của con vật sẽ chuyển dần sang vùng xương chậu, kéo tư thế di chuyển của nó sang dạng đứng thẳng bằng 2 chân.
Nghiên cứu cho rằng sống thành bầy đàn có thể là một trong những đặc điểm quan trọng của sự tồn tại của loài này, với những con non sẽ sinh sống cùng nhau từ khi nở tới khi trưởng thành. Trong khi đó, các khoáng chất được tìm thấy trong tro núi lửa trên đỉnh trứng đã chứng minh những hóa thạch này lâu đời hơn nhiều so với dự đoán của mọi người.
Trước phát hiện này, các nhà cổ sinh vật học tin rằng hành vi sinh sống theo bầy đàn chỉ được hình thành từ các loài khủng long thuộc kỷ Phấn trắng - bằng chứng hóa thạch sớm nhất về các đàn khủng long chân thằn lằn mới chỉ có 150 triệu năm tuổi. Trong khi đó, các khoáng chất được phân tích trong tro núi lửa đã 193 triệu năm tuổi.
Do đó, các nhà nghiên cứu phải đánh giá lại niềm tin trước đây của họ rằng loài Mussaurus sống trong kỷ Trias từ 221 đến 205 triệu năm trước và chết trong một sự kiện tuyệt chủng hàng loạt. Thay vào đó, loài khủng long này rõ ràng đã sống sót sau sự kiện tuyệt chủng và rất có thể tiếp tục phát triển chính vì hành vi sinh sống theo bầy đàn.
Cuối cùng, nghiên cứu mới không chỉ đưa ra bằng chứng sớm nhất về hành vi sinh sống theo bầy đàn của loài khủng long mà còn buộc các nhà cổ sinh vật học phải đánh giá lại dòng thời gian của loài đặc biệt này.