Trẻ học kém là lỗi của bố mẹ hay thầy cô?
Những trẻ mắc chứng khó học có thể có những thay đổi tích cực nếu có mối quan hệ khắng khít với bố mẹ và thầy cô, theo Science Daily ngày 28/2.
Rối loạn học tập (learning disabilities) hay chứng khó học là tình trạng trẻ gặp khó khăn trong học tập. Khả năng tiếp thu của trẻ rất kém so với bình thường và cần phải được giảng dạy theo cách khác với thông thường. Tình trạng này bắt đầu từ khi trẻ còn bé và rõ rệt hơn ở lứa tuổi thanh thiếu niên.
Trẻ học kém cần được quan tâm nhiều hơn
Tiến sĩ Michal Al-Yagon và các đồng nghiệp từ Trường đại học Tel Aviv (Israel) nghiên cứu 181 thanh thiếu niên mắc chứng khó học và 188 thanh thiếu niên bình thường. Các đối tượng từ 15 đến 17 tuổi.
Nhóm nghiên cứu yêu cầu đối tượng hoàn thành bảng hỏi cho biết mức độ gần gũi với bố mẹ, thầy cô. Đối tượng cũng cho biết tình trạng bị ruồng bỏ, cô đơn, những cảm xúc tích cực và tiêu cực, cùng với những rắc rối về hành vi.
Nhóm nghiên cứu phát hiện đối tượng mắc chứng khó học lại chính là những đối tượng có mối quan hệ ít thân thiết hơn với những người lớn quan trọng trong cuộc đời (như bố mẹ, thầy cô), so với những đối tượng không mắc chứng khó học.
Mối quan hệ không tốt đẹp đó đã ảnh hưởng trực tiếp đến trạng thái cảm xúc xã hội của đối tượng.
Ở nhóm mắc chứng khó học, đối tượng càng được bố mẹ quan tâm và được thầy cô chăm sóc thì càng ít có cảm xúc tiêu cực, cô đơn và rắc rối về hành vi.
Nghiên cứu giúp phát triển phương pháp hỗ trợ đối tượng mắc chứng khó học cải thiện tình trạng của mình. Vai trò của bố mẹ và thầy cô là đặc biệt quan trọng trong quá trình này, theo Tiến sĩ Al-Yagon.
Nghiên cứu được công bố trên Journal of Youth and Adolescence.