Tử Cấm Thành có tới 308 vại nước, trong đó 18 vại mạ vàng: Tại sao trên thân những vại mạ vàng đều có vết dao?
Trong Tử Cấm Thành có tổng cộng 308 vại nước, trong đó số lượng vại mạ vàng chỉ còn lại 18.
Những ai đã từng đến Tử Cấm Thành sẽ thấy một điều rất thú vị, đó là nơi đây có rất nhiều vại lớn bằng kim loại đặt ở các sân. Vậy công dụng thực sự của chúng là gì? Có phải chỉ là vật để trang trí?
Vại nước có các loại khác nhau: Mạ vàng, đồng và sắt các loại chất liệu khác nhau sẽ phản ánh thời kỳ ra đời của vại nước. Vại bằng sắt được đúc vào thời nhà Minh, vại được mạ vàng và đồng ra đời vào thời nhà Thanh.
Được sản xuất vào thời gian khác nhau, nên kiểu dáng của vại nước cũng có sự thay đổi nhất định. Nếu như vại đúc vào thời nhà Minh có vòng sắt ở hai tai, nhìn rất giản dị thì đến thời nhà Thanh, vòng sắt được thay thế bằng họa tiết mặt thú, tạo cảm giác rất sang trọng và uy nghiêm.
Họa tiết trên vại nước thay đổi qua các triều đại (Nguồn: Kknews)
Để sản xuất ra vại mạ vàng khá tốn kém, vì bản chất của vại này được làm bằng đồng sau đó dát vàng lên trên bề mặt. Theo sử liệu có ghi chép, thời Càn Long, một khối vại mạ vàng có đường kính 1,66 mét và nặng khoảng 1696 kg số tiền để tạo ra 1 vại mạ vàng ít nhất là 1500 lượng bạc.
Trong Tử Cấm Thành có tổng cộng 308 vại, trong đó số lượng vại mạ vàng chỉ còn lại 18 vại, thường được đặt ở cả hai bên của sảnh chính, chẳng hạn như sảnh Thái Hòa Điện, sảnh Bảo Hòa Điện và phía trước bức tường đỏ bên ngoài Càn Thanh Môn.
Vại mạ vàng (Nguồn: Kknews)
Mục đích ban đầu của những vại này là để chữa cháy. Vại được đổ đầy nước, khi đám cháy lan ra, nước trong vại sẽ được lấy ra để dập lửa. Điều đáng nói là Tử Cấm Thành bốc cháy là chuyện thường xảy ra nên những vại nước này rất quan trọng.
Vậy đến mùa đông, nước trong vại đóng băng thì phải làm như thế nào?
Mỗi khi mùa đông đến vại nước này sẽ được "mặc áo" đồng thời che đậy cẩn thận. Ngoài ra, ở phần đáy của vại còn có "thiết cúc" - chân đế vại có hình giống như bông hoa được làm bằng sắt. Bên trong chân đế sẽ được châm lửa liên tục để giữ nước luôn ở dạng lỏng.
Những năm 1900, Liên quân tám nước đến cướp bóc Tử Cấm Thành. Bọn trộm muốn lấy đi những chiếc vại bằng đồng mạ vàng ở chính điện nhưng vì vại quá nặng nên không thể mang đi, những kẻ này sau đó đã dùng dao cạo lớp vàng mạ trên vại để phá hoại cho bõ tức. Do đó, cho đến ngày nay, khách tham quan sẽ thấy rất nhiều vết dao trên những vại nước mạ vàng.