Tuyệt kỹ làm sách Kinh Thánh thời trung cổ
Một cục tẩy đơn giản bằng nhựa PVC đã giải mã bí ẩn quanh loại giấy da mỏng như lụa dùng để làm những cuốn Kinh Thánh bỏ túi đầu tiên thời trung cổ.
Kỹ thuật làm sách thời Trung Cổ
Theo Acient Origins, hàng nghìn cuốn Kinh Thánh được làm ra vào thế kỷ 13, chủ yếu tại Pháp, Anh, Italy và Tây Ban Nha. Nguồn gốc của loại giấy da dùng cho những cuốn sách này từ lâu đã trở thành chủ đề gây tranh cãi.
Cuốn sách "Book of Hours" được làm từ da động vật tại Florence, Italy, vào thế kỷ 15. (Ảnh: Rauner Special Collections Library).
Việc một số tài liệu sử dụng từ "latin abortivum" - "sinh non", khiến một số học giả cho rằng giấy được làm từ da của các con vật đẻ non. Một số khác phản đối vì lý do, nếu giả thuyết này đúng thì không thể duy trì nguồn gia súc. Các học giả lớn tuổi hơn cho rằng người xưa dùng các loài vật khác thay thế như thỏ hay sóc. Trong khi đó, một số tài liệu từ thời trung cổ lại cho rằng người xưa dùng tay tách da và sử dụng công nghệ nay không còn nữa.
Nhóm nghiên cứu, đứng đầu là tiến sĩ Sarah Fiddyment và giáo sư Matthew Collins từ trung tâm nghiên cứu BioArCh thuộc khoa Khảo cổ ở đại học York, Anh, sử dụng biện pháp đơn giản để truy tìm nguồn gốc giấy da.
Họ tách protein ra khỏi bề mặt giấy da bằng cách sử dụng điện tích tĩnh sinh ra khi chà nhẹ cục tẩy làm bằng nhựa nhiệt dẻo PVC lên trên bề mặt.
Kỹ thuật tách protein khỏi bề mặt giấy da. (Ảnh: Matthew Collins).
Biện pháp này không xâm lấn và không đòi hỏi bất kỳ thiết bị đặc biệt nào. Nó cho phép các nhà nghiên cứu lấy mẫu bất cứ khi nào và bất kỳ ở đâu, mà không cần phải di chuyển cổ vật, và phân tích chúng khi cần.
"Chúng tôi không tìm thấy bằng chứng nào chứng tỏ việc sử dụng các loại động vật ngoài dự tính; tuy nhiên, chúng tôi phát hiện thấy ở một cuốn sách có sử dụng nhiều loại động vật khác nhau, tương ứng với các loại da sẵn có ở địa phương", Fiddyment cho biết.
"Kết quả nghiên cứu cho thấy da được dùng làm sách không nhất thiết phải lấy từ các con vật sinh non hay mới đẻ có lớp da cực mỏng. Đó có thể là kết quả của một chu trình sản xuất cho phép tạo nên giấy da với chất lượng không kém từ da của các con vật trưởng thành ở một số loài".
Căng da trên khung gỗ để làm giấy da. (Ảnh: Public Domain).
"Phát hiện này giúp chúng ta hiểu cách mà người xưa làm Kinh Thánh (bỏ túi) với số lượng lớn, và khám phá một trong những công nghệ làm sách trong lịch sử Kinh Thánh và Cơ đốc giáo phương Tây", Alexander Devine, Viện Nghiên cứu Bản thảo Schoenberg thuộc Đại học Pennsylvania, nói.
Kết thúc nghiên cứu, nhà bảo tồn giấy da Jií Vnouček áp dụng kiến thức thu được vào việc tái tạo loại giấy này.
"Việc sử dụng đúng công nghệ chế tạo giấy da đáng quan tâm hơn là việc sử dụng da lấy từ các con vật mới sinh hay sinh non. Dùng da của các con vật này để chế tạo giấy da là tốt nhất; tuy nhiên, tôi cho rằng mọi loại da đều có thể dùng được", ông nói.
Nhóm nghiên cứu gồm các nhà khoa học và học giả thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau đến từ Pháp, Bỉ, Đan Mạch, Ireland, Mỹ và Anh. Họ phân tích 72 cuốn Kinh Thánh bỏ túi và 293 mẫu giấy da khác có niên đại từ thế kỷ 13. Các mẫu này được phân loại theo độ dày từ 0,03 - 0,28 mm. Kết quả nghiên cứu được đăng trên tạp chí PNAS hôm 15/11.