UAE ghi tên mình vào lịch sử ISS
Một công dân của Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đã làm nên lịch sử khi là người Arab đầu tiên đặt chân đến Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) trong một nhiệm vụ quan trọng kéo dài hơn 1 tuần.
Trạm vũ trụ quốc tế “đông vui”
Theo Sputnik, trong ngày 26/9, Tàu vũ trụ Soyuz MS-15, chở phi hành gia Hazzaa al-Mansoori của UAE, cùng với phi hành gia Oleg Skripochka của Nga và Jessica Meir của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), ghép thành công để nhóm 3 phi hành gia này di chuyển sang ISS.
Cả ba “bước vào phòng thí nghiệm trên quỹ đạo và tham gia cùng 6 đồng nghiệp khác trong trạm cho một buổi lễ chào mừng vui vẻ”, NASA tuyên bố trên Twitter. Đợt di chuyển này đánh dấu thời điểm trạm không gian có đến 9 phi hành gia – số lượng đông nhất kể từ năm 2015, trong đó có: Alexey Ovchinin và Alexander Skvortsov (Nga), Christina Koch, Nick Hague và Andrew Morgan (Mỹ), và Luca Parmitano thuộc Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA).
Người dân UAE vui mừng theo dõi vụ việc từ Trung tâm vũ trụ Mohammed Bin Rashid ở Dubai hôm 26/9. (Ảnh: AFP).
Một đoạn băng công bố cho thấy, những người mới đến đi qua một cửa hầm để vào trạm và được các đồng nghiệp chào đón. Người Arab đầu tiên lên ISS, ông Mansoori, 35 tuổi, đã nhận được sự ủng hộ từ khắp nơi trên thế giới trước những gì ông mô tả là “sứ mệnh trong mơ” của mình. Phi hành gia Mansoori dự kiến sẽ ở trên ISS trong 8 ngày để thực hiện các thử nghiệm gồm 3 phần: thử nghiệm khoa học cùng các đối tác quốc tế, thử nghiệm khoa học đơn giản do các học sinh đề xuất và sáng kiến giáo dục chung phối hợp với ESA và Cơ quan Thám hiểm không gian Nhật Bản.
Tại Dubai, một đám đông đã tập trung tại Trung tâm vũ trụ Mohammed Bin Rashid để theo dõi thời điểm lịch sử này. Họ reo hò và gọi Mansoori là anh hùng dân tộc.
Viết trên Twitter trước khi có mặt tại trung tâm vũ trụ Baikonur, cựu phi công trong lực lượng vũ trang UAE cho biết ông vừa “cảm thấy vinh quang và vừa sợ hãi không thể diễn tả”. “Hôm nay tôi mang theo những giấc mơ và tham vọng của đất nước đến một lĩnh vực hoàn toàn mới. Xin Thánh Allah ban cho tôi thành công trong sứ mệnh này”, ông nói.
Phi hành gia Mansoori có kế hoạch tiến hành các thí nghiệm và cho biết anh sẽ mang theo thức ăn của người Dubai để chia sẻ với các thành viên khác. Sau khi kết thúc nhiệm vụ, phi hành gia Mansoori sẽ quay trở lại Trái đất cùng với hai đồng nghiệp Nick Hague của NASA và Alexey Ovchinin vào ngày 3-10. Trong khi đó, hai phi hành gia Skripochka và Meir sẽ ở lại ISS cho đến mùa xuân năm 2020.
Tham vọng của UAE
Phi hành gia Mansoori, 35 tuổi, là một trong số hai nhà du hành vũ trụ đầu tiên tham gia sứ mệnh tại ISS của UAE, cùng với Sultan al-Neyadi, 38 tuổi. Hai nhà du hành này nằm trong số hơn 4.000 người UAE đăng ký tham gia chương trình đưa nhà du hành vũ trụ lên không gian. Cuộc lựa chọn đã diễn ra rất khắc nghiệt qua 6 vòng.
Là một phần trong kế hoạch không gian của mình, UAE cũng tuyên bố mục tiêu trở thành quốc gia Arab đầu tiên đưa tàu thăm dò không người lái lên quỹ đạo Sao Hỏa vào năm 2021, đặt tên là “Hy vọng”.
Trong dài hạn, UAE cho biết họ có kế hoạch xây dựng một “thành phố khoa học” để tái tạo cuộc sống trên sao Hỏa và tạo ra nơi định cư đầu tiên cho con người trên “hành tinh đỏ” vào năm 2117. Tuy nhiên, ông không phải là người Hồi giáo đầu tiên ra ngoài không gian. Người Arab đầu tiên ra ngoài không gian là Quốc Vương Saudi Arabia bin Salman Al-Saud, người đã bay trên một tàu con thoi của Mỹ năm 1985. 2 năm sau, phi công của Không quân Syria Muhammed Faris đã ở trong không gian một tuần liền trên trạm vũ trụ Mir của Liên Xô.
Trạm không gian quốc tế ISS là một ví dụ hiếm hoi của sự hợp tác giữa Nga và phương Tây. Moscow quyết tâm giữ vị trí là thủ lĩnh của ngành công nghiệp vũ trụ, đặc biệt là các chuyến bay không gian có người lái.