Vật thể bằng 1.000 sao chổi tiến gần Trái đất sau 3,5 triệu năm ''mất tích''
Vật thể từng bị tưởng là hành tinh lùn, khối lượng bằng 1.000 sao chổi thông thường đang trên hành trình quay về gần chúng ta sau chuyến du hành đến Đám mây Oort, hứa hẹn tiết lộ về nguồn gốc Hệ Mặt trời.
Theo Live Science, nó vẫn là một sao chổi - mang tên Bernardinelli-Bernstein, thường được gọi tắt là ''sao chổi BB" - sẽ đi ngang quỹ đạo của sao Thổ vào năm 2031.
BB là sao chổi lớn nhất từng được ghi nhận trong lịch sử. Nó to đến nỗi có lúc giới thiên văn đã lầm tưởng đó là một hành tinh lùn. Khối lượng của BB khoảng 1.000 lần so với sao chổi điển hình, bề rộng ít nhất là 100km.
"Siêu sao chổi'' BB - (Ảnh: Đại học Pennsylvania).
Nghiên cứu dẫn đầu bởi tiến sĩ Pedro Bernardinelli và giáo sư Gary Bernstein từ Đại học Pennsylvania (Mỹ), vừa công bố trực tuyến trên arXiV.org, cho biết nó đang di chuyển nhanh từ phía Đám mây Oort ở rìa Hệ Mặt trời về phía chúng ta, bắt đầu phát ra vầng hào quang ''coma'' rực rỡ. Coma được ví như ''bộ tóc'' của sao chổi, chỉ xuất hiện khi chúng tiến về trung tâm Thái Dương hệ và được sưởi ấm dần.
Các tác giả cũng khẳng định sao chổi sẽ không gây nguy hiểm cho Trái đất vì vào thời điểm tiếp cận gần nhất, nó vẫn chỉ ở khoảng cách 10,97 đơn vị thiên văn (AU), tức nằm ngoài quỹ đạo của sao Thổ. 1 AU chính là khoảng cách từ Mặt Trời tới Trái đất.
Theo New Atlas, cách đây 3,5 triệu năm, sao chổi BB từng đến ''gần'' Trái đất với khoảng cách 18 AU, nhưng rồi lại tiếp tục thực hiện chuyến du hành dài ngày vào Đám mây Oort bí ẩn, với khoảng cách có thể lên tới 40.000 AU.
Chuyến trở lại của BB là cơ hội tuyệt vời để nghiên cứu nó. Không chỉ là sao chổi khổng lồ nhất, nó còn được xác định là vật thể từ ''buổi bình minh'' của Hệ Mặt trời, được cấu tạo bằng những vật chất sơ nguyên nhất. Nghiên cứu về nó có thể đem về nhiều dữ liệu quan trọng để con người hiểu thêm về nguồn gốc của Hệ Mặt trời và của chính sự sống Trái đất.