Vật thể lạ âm thầm tiếp cận, nổ tung giữa nhật thực
Một vật thể chưa từng được ghi nhận mang tên SOHO-5008 đã bất ngờ hiện hình giữa lúc Mặt trời bị Mặt trăng che khuất.
Theo Live Science, vật thể bí ẩn SOHO-5008 là một sao chổi nhỏ, chưa từng được biết đến trước đó. Nó đã âm thầm lao mình vào trung tâm Thái Dương hệ, hiện hình trên bầu trời Trái đất một khoảng thời gian ngắn trước khi bị phá hủy.
SOHO-5008 đã được phát hiện, chụp ảnh và nổ tung chỉ trong vòng 24 giờ ngắn ngủi.
Vật thể mới lạ xuất hiện gần Mặt trời giữa nhật thực là sao chổi SOHO-5008 - (Ảnh: ESA/NASA/SOHO/USNRL/LASCO C3).
Trong những giờ trước khi nhật thực phủ bóng hôm 8-4 (giờ Mỹ), một nhà thiên văn nghiệp dư tên Worachate Boonplod ở Thái Lan đã phát hiện một chiếc bóng mờ nhạt trong dữ liệu của Đài Quan sát Mặt trời và nhật quyển (SOHO) của NASA.
Do vậy, sao chổi này được đặt tên là SOHO-5008.
Theo nhà vật lý thiên văn Karl Battams từ Phòng thí nghiệm Nghiên cứu hải quân Mỹ - người đứng đầu Dự án Sao chổi Sungrazing của NASA, sao chổi nhỏ này có thể được các nhiếp ảnh gia ghi lại trong thời gian xảy ra nhật thực toàn phần ở lục địa Bắc Mỹ.
Một nhà thiên văn nghiệp dư khác tên Lin Zixuan đã chụp được sao chổi này ngay giữa nhật thực toàn phần khi nó đi qua bang New Hampshire - Mỹ.
"Những quan sát từ mặt đất về sao chổi này là cực kỳ hiếm và chỉ có thể thực hiện được trong thời gian nhật thực" - TS Battams viết trên X. Sao chổi cũng khá nhỏ nên phải cần ít nhất một chiếc kính thiên văn nghiệp dư để nhìn thấy nó.
Vào cuối ngày, các nhà khoa học đã mất dấu SOHO-5008. Họ dự đoán nó có thể đã tan rã sau khi đến quá gần Mặt trời.
Do sự xuất hiện và biến mất của SOHO-5008 quá đột ngột nên thông tin về nó còn hại chế, không rõ kích thước cụ thể hay việc nó đã đến gần Mặt trời đến mức nào.
SOHO-5008 được xếp vào nhóm sao chổi "Sungrazers", di chuyển trong khoảng cách chừng 8 triệu km từ Mặt trời, hoặc gần Mặt trời hơn khoảng 10 lần so với Sao Thủy.
Hầu hết chúng thuộc nhóm Kreutz, được cho là mảnh vỡ của một sao chổi khổng lồ đã tan rã từ 2.000 năm trước.