Vệ tinh Trung Quốc va chạm với mảnh tên lửa Nga
Vụ va chạm xảy ra ở độ cao 780km vào đầu năm nay khiến vệ tinh Yunhai 1-02 bị vỡ nhưng có thể vẫn còn hoạt động được.
Tháng 3, Phi đoàn Kiểm soát Không gian 18 (18SPCS) của Lực lượng Vũ trụ Mỹ báo cáo về việc Yunhai 1-02, vệ tinh quân sự Trung Quốc phóng vào tháng 9/2019, bị vỡ. Khi đó, các chuyên gia chưa rõ nguyên nhân nhưng cho rằng có thể do vệ tinh gặp trục trặc, ví dụ như một vụ nổ trong hệ thống đẩy, hoặc do va chạm với một vật khác.
Qua quá trình điều tra, Jonathan McDowell, nhà vật lý thiên văn kiêm chuyên gia theo dấu vệ tinh tại trung tâm Vật lý Thiên văn Harvard -Smithsonian, kết luận nguyên nhân thứ hai là chính xác.
Minh họa rác vũ trụ xung quanh Trái đất theo dữ liệu của Văn phòng Chương trình Mảnh vỡ trên Quỹ đạo của NASA. (Ảnh: Trung tâm Bay Vũ trụ Goddard thuộc NASA)
Ngày 14/8, McDowell phát hiện một thông tin cập nhật trong danh mục của website Space-Track cho biết Vật thể 48078 đã va chạm với vệ tinh. Vật thể 48078 là một mảnh rác vũ trụ nhỏ, nhiều khả năng rộng khoảng 10 - 50 cm, vỡ ra từ tên lửa Zenit-2 dùng để phóng vệ tinh Tselina-2 của Nga vào tháng 9/1996. 8 mảnh vỡ từ tên lửa này đã được theo dõi qua các năm, nhưng 48078 chỉ có đúng một bộ dữ liệu quỹ đạo thu thập vào tháng 3 năm nay.
"Tôi cho rằng có thể họ chỉ phát hiện ra 48078 sau khi nó va chạm với một thứ khác. Đó là lý do chỉ có một bộ dữ liệu quỹ đạo", McDowell giải thích. Yunhai 1-02 bị vỡ vào ngày 18/3 chính là "nạn nhân" của vụ va chạm. Hiện tại, 37 mảnh vỡ từ vụ va chạm đã được phát hiện và có khả năng còn nhiều mảnh khác.
Yunhai 1-02 dường như vẫn "sống sót" sau vụ va chạm ở độ cao 780km. Những người theo dõi nghiệp dư vẫn nhận được tín hiệu từ vệ tinh, dù không rõ Yunhai 1-02 có thể thực hiện đúng nhiệm vụ ban đầu hay không, McDowell cho biết.
Theo McDowell, đây là vụ va chạm quỹ đạo lớn đầu tiên được xác nhận kể từ tháng 2/2009, khi vệ tinh quân sự đã ngừng hoạt động của Nga, Kosmos-2251, đâm vào vệ tinh thông tin đang hoạt động Iridium 33. Vụ va chạm tạo ra 1.800 mảnh vỡ đủ lớn để theo dõi tính đến tháng 10 cùng năm.
Con người có thể đang bước vào thời kỳ mà các vụ va chạm ngoài không gian xảy ra ngày càng thường xuyên. "Các vụ va chạm tỷ lệ với bình phương của số lượng vật thể trên quỹ đạo, nghĩa là nếu số lượng vệ tinh tăng gấp 10 lần thì số vụ va chạm sẽ tăng gấp 100 lần", McDowell nói.
Các mảnh vỡ nhỏ rất khó theo dõi và có rất nhiều mảnh như vậy ngoài không gian. Khoảng 900.000 vật thể rộng 1 - 10 cm đang bay quanh Trái đất, Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) ước tính. Ngoài ra, trên quỹ đạo cũng có tới 128 triệu mảnh rác với đường kính từ 1 mm đến 1 cm. Các vật thể trên quỹ đạo di chuyển cực nhanh, ví dụ, vận tốc ở độ cao của Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) là khoảng 27.600 km/h. Vì vậy, những mảnh vụn nhỏ cũng có thể gây thiệt hại nghiêm trọng cho vệ tinh.

10 điều kỳ lạ nhất của vũ trụ
Lỗ đen có kích thước tương đương hạt nhân nguyên tử, thiên hà "ăn thịt", những hạt vật chất có khả năng đâm xuyên qua lớp chì dày hàng chục km chỉ là vài trong số những phát hiện gây sốc nhất về không gian bên ngoài trái đất.

Sống trên Mặt trăng hay sao Hỏa tốt hơn? Khoa học đã có câu trả lời!
Liệu nên sống ở Mặt trăng hay sao Hỏa nếu con người cần di chuyển đến một nơi ở khác ngoài Trái đất?

Các hành tinh trong Hệ Mặt trời
Hệ Mặt trời (hay Thái Dương Hệ) là hệ hành tinh gồm có Mặt Trời ở trung tâm và các vật quay xung quanh.

Tổng quan về sao Hỏa
Sao Hỏa còn gọi là: Hỏa Tinh, là hành tinh thứ tư tính từ Mặt Trời trong Thái Dương Hệ. Đôi khi hành tinh này còn được gọi tên là Hỏa Tinh.

Các nhà khoa học NASA phát hiện bằng chứng về vũ trụ song song, nơi thời gian chạy…ngược
Giống hệt như phim “The Twilight Zone”, nhóm các nhà khoa học NASA đang nghiên cứu tại Nam Cực đã phát hiện bằng chứng về một vũ trụ song song – nơi các quy tắc vật lý hoàn toàn đối lập với vũ trụ của chúng ta.

11 vụ núi lửa phun trào kinh hoàng nhất trong lịch sử
Tambora, Krakatoa,Yellowstone... là những cái tên rất nổi bật trong số 11 đợt núi lửa phun trào dữ dội nhất lịch sử này.
