Vì sao Mặt trăng lại có thể được coi là hành tinh?
Nhiều thiên thể trong Hệ Mặt trời có thể lọt vào hàng ngũ "hành tinh", bao gồm Mặt trăng của Trái đất và nhiều mặt trăng khác, thậm chí là cả một số "hành tinh lùn", hay "tiểu hành tinh".
Liên minh Thiên văn Quốc tế (IAU) có một định nghĩa rất chặt chẽ về từ "hành tinh". Theo định nghĩa - vốn được soạn thảo, chỉnh sửa và thống nhất vào tháng 8/2006, thì một thiên thể chính thức được coi là hành tinh nếu nó quay quanh Mặt trời, có đủ khối lượng để có dạng hình cầu và đã "dọn dẹp" toàn bộ vùng lân cận xung quanh quỹ đạo của nó.
Mặt trăng có thể được coi là hành tinh. (Ảnh: AP).
Dưới sự quy định nghiêm ngặt này, chỉ có 8 thiên thể trong Hệ Mặt trời có thể được coi là các hành tinh, gồm có: Sao Thủy , sao Kim, Trái đất, sao Hỏa, sao Mộc, sao Thổ, sao Thiên Vương và sao Hải Vương.
Điều thú vị là định nghĩa này sẽ loại bỏ sao Diêm Vương (Pluto) khỏi danh sách các hành tinh trong Hệ Mặt trời, vốn là một động thái cực kỳ gây tranh cãi với nhiều nhà khoa học. Theo thời gian, họ đã kêu gọi xây dựng lại một định nghĩa bao quát hơn, chính xác hơn, mà chỉ dựa trên các đặc tính vật lý của thiên thể được đề cập.
Được dẫn dắt bởi nhà khoa học Phillip Metzger của Đại học Trung tâm Florida, các nhà nghiên cứu đang kêu gọi sự công nhận về một tiêu chí thứ 3, đó là trên bề mặt của nó đang hoặc đã tồn tại những hoạt động về mặt địa chất.
Điều này sẽ đặt nhiều thiên thể trong Hệ Mặt trời vào hàng ngũ "hành tinh", bao gồm Mặt trăng của Trái đất và nhiều mặt trăng khác, thậm chí là cả một số "hành tinh lùn", hay "tiểu hành tinh".
Hệ Mặt trời có thể được định nghĩa lại bởi sự công nhận của những "hành tinh mới" (Ảnh: GettyImages).
Nghe thì có vẻ thiếu cơ sở thuyết phục, tuy nhiên thực tế là những thiên thể này lại đủ điều kiện giống nhau để chúng có thể có chung một định nghĩa, các nhà nghiên cứu đằng sau nghiên cứu mới cho biết. "Nó giống như việc xác định động vật có vú", Metzger nói. "Chúng là động vật có vú cho dù chúng sống trên cạn hay dưới biển. Đó không phải là vị trí của chúng. Đó là về các đặc điểm nội tại tạo nên chúng như thế nào".
Trong khoảng thời gian 5 năm, nhóm nghiên cứu đã tiến hành đánh giá chuyên sâu các tài liệu khoa học trong 400 năm qua về các hành tinh. Họ phát hiện ra rằng, dần dần theo thời gian, định nghĩa do Galileo đặt ra vào những năm 1630 đã bị loại bỏ.
Lúc ấy, Galileo lập luận rằng các hành tinh là những vật thể được tạo thành từ các nguyên tố thay đổi theo thời gian, giống như Trái đất. Hoặc, như các nhà nghiên cứu giải thích, chúng có tồn tại hoạt động về mặt địa chất. Nhóm nghiên cứu cũng trích dẫn lập luận của Galileo rằng các hành tinh phản chiếu ánh sáng mặt trời, thay vì tạo ra ánh sáng của riêng chúng.
Metzger và các cộng sự chỉ ra rằng định nghĩa này đã được sử dụng cho đến khoảng thế kỷ 20. Tuy nhiên, khi sao Diêm Vương được phát hiện vào năm 1930, nó đã được phân loại là một hành tinh. Nhưng giữa những năm 1950, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng sự quan tâm đến khoa học hành tinh ngày càng giảm, ít nhất là theo như các tài liệu nghiên cứu, khi số lượng các bài báo được xuất bản trong thời gian này đã giảm dần.
Định nghĩa của Galileo về các hành tinh trong Hệ Mặt trời dần bị xem nhẹ, và thay đổi để phù hợp với thị yếu.
"Chúng tôi đã chỉ ra rằng thông qua sinh trắc học đã có một khoảng thời gian bị bỏ quên khi các nhà thiên văn học không chú ý nhiều đến các hành tinh", Metzger lý giải. "Và chính trong khoảng thời gian bị lãng quên đó, việc truyền bá định nghĩa thực dụng của Galileo đã bị gián đoạn."
Khoảng trống ấy rốt cuộc được lấp đầy bởi văn hóa dân gian, tiêu biểu là những cuốn sách được xuất bản đưa ra các dự đoán về khí tượng và các lý thuyết dựa trên vị trí của một số ít hành tinh. Nói cách khác, chúng là chiêm tinh học.
"Đây có vẻ là một thay đổi nhỏ, nhưng nó làm suy yếu ý tưởng trung tâm về các hành tinh đã được truyền lại từ Galileo", Metzger nói. "Các hành tinh không còn được định nghĩa bởi sự phức tạp, với tầng địa chất đang hoạt động và tiềm năng cho sự sống, cũng như nền văn minh. Thay vào đó, chúng được định nghĩa bởi sự đơn giản, đi theo những con đường lý tưởng hóa nhất định xung quanh Mặt trời."
Metzger khẳng định sẽ cố gắng để một lần nữa đưa lý thuyết của Galileo "ra khỏi bóng tối", để cái nhìn sâu sắc của ông về vũ trụ trở nên "rõ ràng như pha lê".