Vì sao mèo không chịu ăn khi bát đã lộ đáy dù vẫn còn thức ăn?
Nếu bạn để ý, bạn có thể thấy chú mèo của mình sẽ ngừng ăn khi bát ăn lộ đáy dù vẫn còn thức ăn hoặc không chịu ăn khi thức ăn không nằm chính giữa bát. Hoặc trong một số trường hợp, bạn sẽ thấy một số chú mèo cào thức ăn ra khỏi bát và ăn trên sàn nhà, tất nhiên là làm mọi thứ văng tung tóe.
Một "chứng khó ở" phổ biến mà có thể bạn cũng từng gặp phải là chúng sẵn sàng đeo bám bạn khắp nơi chỉ để được cho ăn, nhưng lại chẳng thèm đếm xỉa đến đồ ăn khi bạn mang ra cho chúng.
Vì sao mèo không chịu ăn dù thức ăn vẫn còn?
Vì sao mèo lại có những hành động như vậy? Vì sao chúng không ăn nữa dù vẫn còn đồ ăn trong bát?
Hóa ra, tất cả là vì bộ râu của chúng!
Râu của mèo có tác dụng gì?
Không phải ai cũng thích ngắm nghía bộ râu quanh miệng của những mèo sao? Những sợi râu nhỏ này chính là ăng-ten sinh học "thông minh" của loài mèo.
Những sợi râu này còn được gọi là facial vibrissae với những thụ cảm nằm trên đầu, nhờ chúng, mèo có thể cảm nhận được thế giới xung quanh nó. Mỗi sợi râu như một cảm biến đặc biệt giúp chuyển thông tin cơ học về môi trường xung quanh thành tín hiệu điện và truyền đến não của chúng.
Mặc dù bên ngoài, những sợi râu trông dễ thương và nhỏ, nhưng râu mèo dài hơn bạn nghĩ nếu chỉ nhìn thôi đấy. Chiều dài râu mèo xấp xỉ bằng chiều rộng đầu của chúng. Nhờ đó mèo có thể tính toán được độ rộng của bát ăn, hoặc bất cứ cái lỗ nào chúng định chui qua; cơ bản là nếu những sợi râu không chạm vào viền xung quanh thì chúng biết rằng đầu của chúng sẽ cho vừa cái lỗ đó.
Đây cũng là một phần lý do vì sao mèo không hề ngần ngại chui vào những chiếc hộp nhỏ xíu.
Xem nào… đầu mình chui vừa nó không nhỉ? (Ảnh: Andrey_Kuzmin/Shutterstock)
Bộ râu mèo còn có rất nhiều tác dụng khác. Chúng có thể cảm nhận sự thay đổi của các luồng không khí khi đi săn, giúp loài mèo trở thành một kẻ săn mồi đáng gờm. Nói cách khác, bộ râu của mèo giúp nó "nhìn thấy" những thứ ở gần bằng cách bổ sung tầm nhìn khoảng cách ngắn.
Vì sao mèo không chịu ăn dù vẫn có thức ăn trong bát?
Một lý do phổ biến khiến những chú mèo khỏe mạnh bỏ ăn có thể là vì chúng… mỏi râu.
Như đã đề cập ở trên, trên đầu mỗi sợi râu của mèo có cơ quan thụ cảm, là những thụ thể phản ứng với vị trí và chuyển động. Những cơ quan thụ cảm này khiến râu của mèo cực kỳ nhạy cảm và chúng sẽ bị "mỏi" hay "mệt" vì những tiếp xúc không cần thiết, ví dụ khi thứ gì đó liên tục cạ vào râu, như thành bát ăn chẳng hạn.
Râu mèo bị mỏi vì cạ phải thành bát ăn, đó là nguyên nhân chúng cào đồ ăn ra sàn. (Ảnh: irnburch/Shutterstock).
Đó là lý do vì sao mèo thường chỉ ăn phần thức ăn nằm chính giữa bát. Khi ăn hết thức ăn ở giữa (và lộ ra phần đáy bát ăn), những chú mèo chỉ đơn giản là ngừng ăn vì cảm thấy việc ăn phần thức ăn xung quanh khiến râu của chúng bị đau và khó chịu.
Chính vì vậy, nếu quá đói, chúng sẽ cào đồ ăn ra khỏi bát và thưởng thức bữa ăn trên sàn nhà. Bằng cách này, bộ râu của chúng sẽ không bị cạ vào thành bát ăn nữa và chúng có thể hoàn tất bữa ăn của mình.
Đây không phải là lý do duy nhất khiến mèo bỏ ăn!
Điều quan trọng mà bạn cần lưu ý là đây không phải lý do duy nhất khiến mèo bỏ ăn. Bên cạnh đó, bạn cần quan tâm đến một số yếu tố khác như: tình trạng sức khỏe, mức độ căng thẳng, vấn đề tâm lý và tiêm chủng. Một chú mèo cũng có thể bỏ ăn nếu nó vừa đến môi trường mới.
Việc di chuyển có thể khiến mèo bị say xe, dẫn đễn nôn mửa và bỏ ăn. (Ảnh: Africa Studio/Shutterstock).
Điều này cũng là một phần nguyên nhân khiến các "con sen" gặp nhiều rắc rối trong việc cho chú mèo cưng ăn uống khi phải đi xa cùng nhau. Hơn nữa, việc di chuyển có thể khiến mèo bị say xe, dẫn đễn nôn mửa và bỏ ăn.
Vì vậy, nếu chú mèo của bạn thường chỉ ăn ở giữa bát mà không ăn phần thức ăn xung quanh, có lẽ bạn nên đổi chiếc bát ăn có thiết kế phù hợp cho chú mèo cưng để bộ râu của chúng không còn bị dày vò khi ăn nữa!