Vì sao một số người không bao giờ tăng cân?
Một trong những điều bất công trên đời là một số người luôn phải hết sức chú ý xem họ ăn gì để không bị tăng cân, trong khi một số khác thì ăn nhiệt tình bao nhiêu cũng vẫn không tăng chút nào.
Vậy bí mật của họ là gì? Làm thế nào để một số người không bao giờ bị tăng cân?
Theo bà Kathleen Melanson - Giáo sư khoa học dinh dưỡng và thực phẩm của Trường đại học Đảo Rhode, Mỹ - thì không có một câu trả lời đơn giản cho câu hỏi này. Vấn đề cân nặng tùy thuộc vào nhiều yếu tố, như di truyền, dinh dưỡng và thậm chí cả hành vi. Ngoài ra, mức độ ảnh hưởng của từng yếu tố này đối với từng cá nhân cũng khác nhau.
Một trong những yếu tố quan trọng nhất không ảnh hưởng gì đến vóc dáng cơ thể chính là nhận thức. Nhiều người dường như có thể ăn bất cứ món gì họ thích mà không bị tăng cân nhưng thực ra họ không hề ăn nhiều hơn người khác. Ví dụ: một người bạn của bạn có thể ngày nào cũng ăn kem nhưng thực ra lượng calo nạp vào do ăn kem lại được cân bằng bởi việc người đó ăn đi trong các bữa ăn khác, hoặc họ không ăn vặt gì khác trong suốt cả ngày; hoặc cũng có thể khi người đó ăn pizza, anh ta ăn chậm rãi và chỉ ăn một hai miếng bánh mà thôi.
Xu hướng tăng cân cũng không hẳn do thiếu sự tự kiểm soát.
Bác sĩ Frank Greenway ở Trung tâm Nghiên cứu Y sinh học Pennington, Mỹ, nói rằng “nếu bạn đo lượng calo nạp vào của những người này, bạn sẽ thấy họ không ăn nhiều như bạn nghĩ. Khi ăn, họ chỉ ăn những đồ ăn giàu calo với lượng vừa phải, những thứ mà nhiều người khác khó có thể kiềm chế để không ăn quá nhiều”.
Hoạt động thể chất cũng góp phần tạo nên sự khác biệt, nhưng không nhất thiết hoạt động đó phải là các bài tập thể dục tăng cường. Một số người chỉ đơn giản là đi lại nhiều hơn.
Ví dụ, họ làm công việc cần đi lại nhiều hay cả ngày họ chạy đuổi theo con cái. Thậm chí còn có bằng chứng cho thấy một số người có gene di truyền thích vận động cơ thể. Những hoạt động bổ sung này cũng làm tăng sự trao đổi chất của cơ thể, bên cạnh các bài tập thể dục. Bạn càng vận động nhiều, thì số lượng các ty thể trong tế bào cơ càng tăng lên và hoạt động của các ty thể cũng nhiều hơn. Ti thể được ví như các nhà máy điện tạo ra năng lượng, sử dụng năng lượng cho các hoạt động của cơ thể. Càng nhiều ti thể tức là càng nhiều calo được đốt cháy.
Theo Giáo sư Ines Barroso của Trường đại học Cambridge, Anh, nhà nghiên cứu về béo phì di truyền, thì chỉ có rất ít bằng chứng cho thấy một số người không cần tập thể dục mà vốn sinh ra cơ thể đã đốt nhiều calo hơn người khác.
Nhưng có thể có một số khác biệt về mặt sinh lý khiến cho một số người tiết chế lượng calo tiêu thụ một cách tự nhiên mà không cần phải tự kiềm chế quá mức. Các chuỗi tín hiệu của hệ thần kinh và các hormone trong máu tương tác với nhau để báo cho chúng ta biết khi nào chúng ta no hay đói. Hệ điều tiết nhu cầu ăn uống này ở một số người có thể nhạy hơn những người khác.
Một hormone quan trọng tham gia vào hoạt động của hệ điều tiết này là hormone chi tiêu năng lượng (leptin). Leptin giúp cơ thể nhận ra mỗi người cần bao nhiêu thực phẩm trong thời gian dài chứ không chỉ trong một bữa ăn sắp tới.
Vì thế một người có hệ điều tiết nhu cầu ăn uống nhạy cảm hơn có thể lấy đồ ăn nhiều lần tại một bữa tiệc rồi sau đó thấy no trong cả vài ngày và vài ngày đó họ ăn ít hơn bình thường.
Đơn giản là họ có thể tự động điều chỉnh lại mức cân bằng năng lượng của bản thân vì hệ thống tín hiệu nhu cầu ăn của học có thể nói rằng “chúng ta đã có đủ năng lượng rồi”.
Di truyền cũng đóng một vai trò trong xu hướng tăng hoặc giảm cân của mỗi người. Các nhà nghiên cứu đã xác định được hơn 250 vùng khác nhau của DNA liên quan đến tình trạng béo phì. Họ đã so sánh những người có chỉ số khối cơ thể (BMI) thấp với những người béo phì nặng và người có khối lượng cơ thể bình thường, và phát hiện ra rằng những người gầy có ít gene liên quan đến tình trạng béo phì hơn.
Nhưng cũng theo các chuyên gia, chỉ gene không thì không quyết định trọng lượng cơ thể. Các nhà nghiên cứu không tìm ra các gene chỉ có chức năng bảo vệ một người khỏi bị béo phì hay làm cho người đó có xu hướng béo phì. Có những người mang định thức di truyền béo phì nhưng vẫn không bị béo phì.
Nói tóm lại, câu trả lời rất phức tạp. Xu hướng tăng cân hoặc giữ cân không phải là yếu tố được quyết định từ trước, mà cũng không hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của chúng ta.
Không có một công tắc tắt – bật do di truyền nào giúp cho một số người ăn thỏa thích mà không bị tăng cân. Đồng thời, xu hướng tăng cân cũng không hẳn do thiếu sự tự kiểm soát. Giáo sư Melanson kết luận “vấn đề này không phải ở ai cũng như ai”.