Vì sao nhiều bộ phận không biến mất hoàn toàn khi tiến hóa?
Bạn biết mảng hồng nhỏ xíu ở khóe mắt chứ? Nó vốn là phần còn lại của mí mắt thứ ba. Mí mắt thứ ba thường được thấy ở chim và một số loài động vật có vú có chức năng ngăn bụi bẩn lọt vào mắt nhưng lại không có ích gì cho con người vì thế nó đã tiêu giảm và không còn thực hiện chức năng ban đầu. Vài bộ phận cũng như mí mắt thứ ba, trải qua hàng triệu năm chúng dần tiêu giảm. Vậy tại sao lâu như vậy những bộ phận đó vẫn còn tồn tại mà không hoàn toàn biến mất?
Để trả lời câu hỏi này, ta cần hiểu về chọn lọc tự nhiên. Nói một cách đơn giản là chọn lọc tự nhiên sẽ giữ lại những sinh vật có tính trạng tốt cả về sinh tồn lẫn duy trì nòi giống trong một môi trường nhất định, từ đó tăng khả năng sống sót của thế hệ sau. Khi môi trường thay đổi, tính trạng có ích trước đây đôi khi cũng có thể gây hại, khi đó chúng thường bị đào thải và giảm dần trong quần thể nhường chỗ cho tính trạng phù hợp khác. Tuy nhiên những tính trạng chỉ cần không gây hại dù cũng chẳng có ích cũng sẽ không bị đào thải và vẫn tiếp tục xuất hiện ở các thế hệ sau.
Xương cụt là một ví dụ. Các nhà sinh học tiến hóa cho rằng nhờ khí hậu khô, đồng cỏ xanh tốt mà tổ tiên có đuôi của chúng ta rời bỏ các cành cây và chuyển hướng xuống mặt đất. Cái đuôi từng giúp di chuyển trên cây giờ lại thành ra vướng víu nên những cá thể đột biến có đuôi ngắn hơn sẽ thích nghi tốt hơn với cuộc sống trên mặt đất từ đó tiếp tục tồn tại để truyền tính trạng này cho các thế hệ sau.
Quá trình này diễn ra chậm trong suốt hàng triệu năm, đến khoảng 20 triệu năm trước, thì đuôi hoàn toàn biến mất. Tuy vậy, một bằng chứng về việc loài người đã từng có đuôi là phần xương cụt vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay, có lẽ là do nó không gây hại gì, thực ra nó cũng có một chức năng nhỏ, đó là cố định một vài nhóm cơ.
Đến 85% dân số thế giới tiêu giảm cơ gan tay dài. Quan sát loài linh trưởng, họ hàng của chúng ta, có thể thấy cơ gan tay dài không xuất hiện ở những cá thể sống chủ yếu trên mặt đất, nhưng lại luôn xuất hiện ở các cá thể sống chủ yếu trên cây. Điều đó cho thấy cơ này giúp ta chuyền từ cành này sang cành khác, rồi trở nên thừa thãi khi ta chuyển xuống sống trên mặt đất.
Trong khi đó, ruột thừa có thể từng là một phần của hệ tiêu hóa của tổ tiên chúng ta và được dùng để tiêu hóa thực vật. Khi thức ăn thay đổi, bộ phận này bắt đầu co lại. Nhưng ruột thừa không vô hại, nó cực kỳ nguy hiểm khi bị viêm thậm chí tử vong. Vậy thì tại sao ruột thừa không biến mất hoàn toàn? Có khả năng là cơ quan này đang dần biến mất chỉ điều các đột biến làm nó nhỏ hơn chưa xuất hiện mà thôi, hoặc có lẽ nó vẫn có lợi ích gì đó như là nguồn cung cấp vi khuẩn giúp chúng ta tiêu hóa thức ăn.
Tiến hóa là một quá trình không hoàn hảo. Chúng ta có được ngày hôm nay là kết quả của hàng triệu năm biến đổi ngẫu nhiên, liên tục thử nghiệm và sai sót của tạo hóa.