Vì sao Pele là cầu thủ duy nhất được gọi "Vua bóng đá"?
Không phải tự nhiên, Pele được gọi là "Vua bóng đá". Vậy, vì đâu huyền thoại người Brazil lại được tôn vinh với danh xưng cao quý ấy?
Thuở niên thiếu của Vua bóng đá Pele
Pele tên thật là Edson Arantes do Nascimento. Ông sinh ngày 23/10/1940 tại Tres Coracoes, bang Minas Gerais, miền nam Brazil. Cha của Pele là cựu cầu thủ Fluminense, ông Dondinho. Mẹ ông là bà Celeste Arantes. Trong gia đình, Pele là anh cả, dưới ông còn có một em gái.
Theo truyền thông Brazil, Pele được đặt theo tên nhà phát minh vĩ đại, Thomas Edison. Nhưng không rõ do cha mẹ quyết định bỏ bớt chữ "i" hay vì sai sót trong quá trình khai sinh, Vua bóng đá cuối cùng lấy tên thành Edson Arantes do Nascimento.
Ban đầu, gia đình gọi Pele với biệt danh "Dico". Tuy nhiên khi đến trường hoặc chơi bóng trên đường phố, bạn bè thường gọi ông với cái tên thân thuộc "Pele" bởi cách phát âm khá giống với tên của thủ môn nổi tiếng địa phương Vasco da Gama Bile, người mà Pele hết mực yêu mến và hâm mộ.
Ngay từ còn nhỏ, Pele đã sớm bộc lộ tài năng bóng đá thiên phú. Năm lên 10, ông thậm chí tự gây dựng cho riêng mình một đội bóng để thi đấu với các đối thủ đường phố khác. Pele tham gia các giải bóng không chuyên tại địa phương và giành vô số chiến thắng. Năm 1956, ông quyết định ký hợp đồng thi đấu chuyên nghiệp cho CLB Santos.
Pele ký hợp đồng chuyên nghiệp với Santos năm 16 tuổi. (Ảnh: Globo)
Dưới màu áo đội bóng bang Sao Paulo, Pele nhanh chóng tỏa sáng. Ở tuổi 16, ông có bàn thắng đầu tiên trong sự nghiệp. Và ngay mùa giải đó, chàng trai trẻ đã gây ấn tượng mạnh với danh hiệu Vua phá lưới.
Tháng 7/1957, khi mới 16 tuổi 9 tháng, Pele ghi bàn giúp Brazil hạ kình địch Argentina 2-1 ngay tại thánh địa Maracana. Pha lập công giúp ông hiện vẫn giữ kỷ lục cầu thủ trẻ nhất ghi bàn trong lịch sử Selecao.
Nhờ chuỗi phong độ ấn tượng, Pele lọt vào mắt xanh của HLV Vicente Feola. Ở tuổi 17, tài năng trẻ Santos gây lên cơn sốt tại xứ sở samba khi được triệu tập vào ĐTQG Brazil dự World Cup 1958.
Lý do Pele là cầu thủ duy nhất được gọi "Vua bóng đá"
Ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh trên đất Thụy Điển trở thành show diễn của Pele. Dù chỉ vào sân từ trận cuối vòng bảng do chấn thương đầu gối trước World Cup, thần đồng 17 tuổi vẫn tỏa sáng rực rỡ với 6 bàn thắng, 1 bàn ở tứ kết, hat-trick tại bán kết và cú đúp trong trận chung kết, đưa Brazil lần đầu bước lên đỉnh thế giới.
Chiến tích ở World Cup 1958 biến Pele thành vị thánh sống trong mắt người hâm mộ xứ samba. Tài năng của ông được cả thế giới thừa nhận. Nhiều đội bóng lớn ở châu Âu như Real Madrid, Bayern Munich, Juventus hay Napoli sẵn sàng trải thảm đỏ đón Pele.
Dẫu vậy, Pele lại không thể chuyển tới châu Âu thi đấu bởi câu chuyện đáng kinh ngạc. Năm 1961, Tổng thống Brazil, Janio Quadros, quyết định sử dụng quyền lực của mình để thúc đẩy Nghị viện đưa ra điều luật coi Pele như... "báu vật quốc gia" trong 10 năm. Bởi vậy, trong suốt sự nghiệp của mình, Pele gần như chỉ gắn bó với Santos, trước khi chuyển sang Mỹ dưỡng già trong màu áo New York Cosmos.
Không thể thi đấu đỉnh cao ở trời Âu, Pele vẫn khiến cả thế giới phát cuồng mỗi kỳ World Cup. Ông giúp Brazil thêm 2 lần đăng quang vào 1962 và 1970, đồng thời giúp Selecao trở thành đội tuyển đầu tiên lập hat-trick vô địch, giành vĩnh viễn cúp vàng Jules Rimet. Pele sở hữu trong tay kỷ lục vô tiền khoáng hậu, cầu thủ duy nhất 3 lần vô địch World Cup.
Thời của Pele, bóng đá vẫn là cuộc chơi "tự do". Các cầu thủ thường tự phải bảo vệ mình khỏi những chấn thương. Điều luật bóng đá khi ấy chưa hoàn thiện, cũng chưa có những khung hình phạt rõ rệt và nghiêm khắc nên các hậu vệ mặc sức "chém chặt". Do đó, nguy cơ dính chấn thương nặng là rất lớn. Vậy mà trong suốt sự nghiệp thi đấu, Pele hiếm khi phải rời xa sân cỏ và vẫn tỏa sáng rực rỡ.
Pele đang là cầu thủ duy nhất trong lịch sử lập hat-trick vô địch World Cup. (Ảnh: Getty).
Năm 1999, Pele được Liên đoàn Thống kê & Lịch sử Bóng đá Quốc tế (IFFHS) bầu chọn là Cầu thủ hay nhất thế kỷ 20. Cùng năm, tạp chí danh tiếng France Football đã đề nghị các chủ nhân của danh hiệu Quả bóng Vàng lựa chọn Cầu thủ hay nhất thế kỷ, và họ chọn Pele. Cũng trong năm 1999, Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) bầu chọn Pele là Vận động viên của thế kỷ. Trong khi tạp chí Time đã điền tên Vua bóng đá vào danh sách 100 người có ảnh hưởng lớn nhất thế kỷ 20.
Năm 2013, Pele nhận danh hiệu Quả bóng Vàng danh dự của FIFA nhằm ghi nhận những đóng góp của ông với tư cách biểu tượng bóng đá toàn cầu. Trong suốt sự nghiệp, Pele đã ghi 1281 bàn thắng sau 1363 trận, bao gồm cả các trận giao hữu không chính thức. Thành tích này giúp huyền thoại Brazil được ghi danh vào sách kỷ lục Guinness về số bàn thắng nhiều nhất.
Ở cấp độ CLB, Pele hiện là cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất cho Santos, đồng thời đưa đội bóng bang Sao Paulo vô địch Copa Libertadores 2 năm liên tiếp, 1962 và 1963. Ông được người hâm mộ gán cho nhiều biệt danh cao quý, như: "Vua bóng đá" (O Rei do Futebol), "Viên ngọc trai đen" (Pérola Negra), "Vua Pele" (O Rei Pelé) hay đơn giản là "Nhà vua" (O Rei).

Vì sao đứt tay do giấy cứa đau hơn cả dao?
Việc bị đứt tay do không cẩn thận khi làm bếp hay cứa vào mảnh thủy tinh vỡ hẳn sẽ khiến bạn cảm thấy đau đớn. Nhưng tờ giấy trắng đôi khi cũng là “sát thủ” đáng gờm khi khiến bạn bị đổ máu.

Vì sao máy bay thường sơn màu trắng?
Đảm bảo an toàn, tiết kiệm chi phí và giảm hấp thụ nhiệt là các lý do máy bay được sơn màu trắng.

Vì sao cà phê là đồ uống tốt nhất hành tinh?
Trong những năm gần đây, các nhà khoa học đã nghiên cứu những ảnh hưởng khác nhau của cà phê đối với sức khỏe và những kết quả thu được có thể khiến nhiều người phải ngạc nhiên.

Vì sao phòng ngủ của Hoàng đế Trung Hoa chỉ rộng 10m2?
Nếu muốn biết nguyên nhân vì sao phòng ngủ của hoàng đế thưở xưa lại chật chội đến vậy, hãy cùng đọc bài viết dưới đây.

Vì sao người Hàn lại dùng chiếc đũa "khó gắp nhất thế giới"?
Người châu Á có thói quen dùng đũa để gắp các loại thức ăn. Dụng cụ này phổ biến ở tất cả các quốc gia phương Đông, đặc biệt là ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Việt Nam.

Tại sao nước biển lại mặn?
Tất cả nước trên hành tinh của chúng ta, kể cả nước mưa, đều chứa những hợp chất hóa học mà các nhà khoa học gọi là "muối".
