Vì sao Trái đất không tròn một cách hoàn hảo?
Trên thực tế, hầu hết các hành tinh và mặt trăng không hề tròn hoàn hảo, mà thường bị bóp méo theo cách này hay cách khác.
Thông thường, một hành tinh khi quay sẽ chịu tác động của lực ly tâm. Chúng ta có thể cảm nhận được rõ cách thức mà chúng hoạt động nếu như thử xoay người trên ghế, hay ngồi trên một tàu lượn siêu tốc. Lúc này, bạn sẽ cảm thấy bị kéo ra khỏi trung tâm của mình.
Mặc dù hiệu ứng là rất nhỏ, nhưng Trái đất hơi dẹt và phình ra ở đường xích đạo. (Ảnh: NASA).
Các hành tinh và mặt trăng cũng vậy. Lực ly tâm khiến chúng thường bị phình ra ở đường xích đạo, mà rõ rệt nhất chính là sao Mộc và sao Thổ. Nếu nhìn vào hình toàn cảnh 2 "gã khổng lồ" khí này, bạn sẽ thấy chúng hơi bị thu nhỏ lại, còn phần giữa thì phình ra.
Lý giải cho điều này, các nhà khoa học cho biết mức độ bóp méo của mỗi hành tinh phụ thuộc vào tốc độ quay của chúng. Rất dễ để chứng minh khi sao Mộc và sao Thổ chính là những hành tinh quay nhanh nhất trong Hệ Mặt trời. Rõ ràng, vật gì quay càng nhanh thì lực ly tâm tác động lên vật đó càng lớn.
Trái đất của chúng ta cũng không nằm ngoài xu hướng này. Nếu như ngồi trên vệ tinh nhân tạo hoặc tàu vũ trụ nhìn xuống Trái đất, bạn sẽ thấy hành tinh xanh của chúng ta kỳ thực có hình cầu dẹt ở hai cực Bắc, Nam, với bán kính đường xích đạo lớn hơn bán kính giữa hai cực khoảng 21,385km.
Hành tinh lùn Haumea chịu tác động của lực ly tâm lớn đến mức nó gần như có hình quả trứng. (Ảnh: NASA).
Trong quá trình quay quanh trục, mọi phần của Trái đất đều chịu tác động của lực quán tính ly tâm và đều có xu hướng văng ra ngoài. Mặt khác lực ly tâm tỷ lệ thuận với khoảng cách từ chỗ đó đến trục Trái đất, nghĩa là chỗ nào trên vỏ Trái đất càng xa trục thì lực ly tâm càng lớn. Bởi vậy phần vỏ Trái đất ở gần đường xích đạo chịu lực ly tâm nhiều hơn phần ở địa cực.
Do đó trong quá trình hình thành Trái đất, do chịu tác động khác nhau của lực ly tâm mà "bụng" Trái đất phình to ra, còn hai cực thì dẹt. Bán kính ở đường xích đạo lớn hơn bán kính hai cực.
Một ví dụ điển hình khác về lực ly tâm tác động lên một vật thể trong vũ trụ là hành tinh lùn Haumea. Hành tinh này nằm trong Vành đai Kuiper, một vùng gồm các vật thể băng giá bên ngoài quỹ đạo của sao Hải Vương, và quay rất nhanh (cứ 4 giờ lại quay một vòng hoàn chỉnh). Chính bởi tốc độ cao như vậy đã khiến nó bị dẹt tới mức gần giống một quả trứng nằm ngang.