Vị thuốc bất ngờ từ hoa đào, hoa mai
Hoa đào có thể giúp da trắng, trị rụng tóc, hói đầu; còn hoa mai làm thuốc bổ, chữa ho, đau đầu chóng mặt, cao huyết áp, viêm da lở loét.
Hoa đào
Theo Trung y, cây đào có khả năng trừ khử âm khí, sinh dương khí và may mắn. Các bộ phận của cây đào cũng có thể dùng làm thuốc chữa bệnh.
Lương y Đa khoa Bùi Đắc Sáng, Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ, cho biết hoa đào là một loại thuốc độc đáo của y học, có tính bình, vị đắng. Loại hoa này có thể trị các bệnh liên quan hệ bài tiết, kiết lỵ kéo dài, các chứng cước khí (ngứa do thời tiết lạnh), đau vùng tim, trị hói đầu, rụng tóc, giúp giảm cân, giúp phụ nữ có làn da trắng trẻo, hồng hào, mịn màng và trị các vết nám đen ở mặt.
Từ xa xưa, sau dịp Tết Nguyên đán, người dân thường thu hái hoa đào, phơi trong bóng râm cho khô và bảo quản ở nơi cao ráo, thoáng mát để làm thuốc dùng dần.
Đào Nhật Tân khoe sắc dịp Tết. (Ảnh: Giang Huy).
Một số bài thuốc làm đẹp có hoa đào, như:
Hoa đào và hoa mai lượng bằng nhau (dùng sản phẩm khô), pha với nước sôi để rửa mặt.
Đối với người có da mẫn cảm, nhọt lâu khỏi, có thể dùng hoa đào và muối ăn cùng lượng, giã nát trộn đều hòa với giấm, thoa lên mặt. Nếu trên mặt có nốt mụn vàng hoặc mủ đặc, có thể dùng bột hoa đào hoặc trà hoa đào để uống. Cách này giúp tẩy bỏ dần các vết thâm và nốt xám đen.
Mọi người có thể dùng nước sắc hoa đào rửa mặt, hoặc lấy hoa đào, nhân hạt bí đao (đông qua nhân) nghiền mịn, trộn với mật ong, buổi tối xoa lên mặt, sáng dậy rửa sạch bằng nước ấm giúp giảm nếp nhăn.
Hoa đào 10 g, hoa sen 15 g, phơi khô, nghiền nhỏ, chia 3 lần bỏ vào cốc thủy tinh, pha nước sôi như pha trà, uống như uống nước trà, chữa các vết sắc tố xấu trên da mặt.
Hoa đào 100 g, rửa sạch ngâm với một lít rượu trắng, đậy nắp kín, sau một tuần lấy ra uống, ngày uống 3 lần, mỗi lần 10 ml, tác dụng hoạt huyết giảm đau.
Hoa mai
Cây mai không chỉ được sử dụng để làm cảnh, trưng bày dịp Tết mà còn có nhiều công dụng trong lĩnh vực ẩm thực và chăm sóc sức khỏe.
Ở miền Nam, người dân phơi hoặc sấy khô vỏ cây mai vàng, rồi ngâm vào rượu để chiết những chất có vị đắng, làm thuốc bổ, lợi tiêu hóa.
Vào những ngày Tết, ăn nhiều thịt, mỡ, dưa hành, bánh chưng xanh, nếu làm một ly rượu đắng mai vàng khai vị, sẽ thấy ngon miệng hơn. Trong Đông y, rễ mai vàng có thể dùng làm thuốc xổ (tẩy) sán và làm thuốc chữa trị các chứng đau đầu, chóng mặt.
Hoa mai nở ngày Tết. (Ảnh: Ngoc Thành).
Một số bài thuốc chữa bệnh từ hoa mai, như:
Bài thuốc trị đau đầu, chóng mặt: Hoa mai 9 g sắc uống hoặc phối hợp hoa mai với hoa biển đậu và lá sen tươi lượng vừa đủ, sắc uống. Hoa mai 15 g, hoa cúc trắng 15 g, hoa hồng 15 g, hãm uống thay trà.
Trị tăng huyết áp, cơn đau thắt ngực: Hoa mai 3 g, thảo quyết minh 10 g hãm với nước sôi trong bình kín, sau 15 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày.
Trị đau dạ dày, viêm gan và xơ gan mức độ nhẹ: Hoa mai 5 g đem ninh với 100 g gạo tẻ thành cháo, chế thêm đường trắng, chia ăn vài lần trong ngày.
Trị ho dai dẳng: Hoa mai 9 g hãm uống thay trà trong ngày. Hoa mai 10 g, khoản đông hoa 10 g, gạo tẻ 60 g, tất cả đem ninh thành cháo, chế thêm một chút mật ong, chia ăn vài lần trong ngày.
Trị đau khớp do phong thấp: Hoa mai 9 g, thạch nam đằng 9 g, thố nhĩ phong 9 g, đem ngâm với 200 ml rượu, mỗi lần uống 30-50 ml.
Trị viêm da lở loét: Hoa mai 6 g đem ngâm với dầu lạc hoặc dầu vừng, sau hai tuần thì dùng được, bôi vào tổn thương mỗi ngày hai lần.
Lương y Sáng khuyến nghị các bài thuốc trên chỉ có tính chất tham khảo, mọi người cần thăm khám và tuân theo chỉ định, phác đồ điều trị của bác sĩ khi có bệnh.