Vũ khí đáng sợ bậc nhất thời Trung Cổ vẫn là bí ẩn cho đến ngày nay
Vũ khí chết người mệnh danh "Ngọn lửa Hy Lạp" dường như bất chấp các định luật vật lý và khiến các nhà khoa học đau đầu trong suốt hàng thế kỷ.
Vũ khí đáng sợ bậc nhất thời Trung Cổ
Một bản vẽ mô tả về vũ khí Ngọn lửa Hy Lạp. (Ảnh: greekcitytimes).
"Ngọn lửa Hy Lạp" (Greek fire) là tên một loại vũ khí gây cháy, được Đế chế Đông La Mã (Byzantine) sử dụng bắt đầu từ năm 672 sau Công nguyên. Vũ khí này chủ yếu được sử dụng để đốt cháy tàu địch và quân thù trong những trận thủy chiến, phóng vào tàu địch một dạng hợp chất dễ cháy, nhưng lại khó bị nước dập tắt.
Trong suốt hàng thế kỷ, các nhà khoa học đã cố gắng giải mã bí ẩn liên quan tới vũ khí phóng lửa đáng sợ này, bao gồm thành phần và cách thức mà nó được sử dụng. Tuy nhiên mãi đến nay, chúng ta vẫn chưa thực sự biết nó là thứ gì, hay hoạt động ra sao.
Theo một bản ghi chép từ khoảng giữa thế kỷ thứ 8, vũ khí này được mô tả như sau: "Các con tàu ném ra ngọn lửa dạng chất lỏng từ mọi phía, gồm mũi tàu, đuôi tàu và 2 bên. Những thuyền viên bị ngọn lửa thiêu đốt, không còn cách nào khác ngoài nhảy xuống biển. Những kẻ mặc giáp thì chết đuối, còn những người biết bơi thì bỏng nặng".
Vũ khí này được sử dụng để đốt cháy kẻ địch trong các trận thủy chiến. (Ảnh: iStock).
Một tài liệu khác của quân đội La Mã mô tả vũ khí này trông tựa như những con rồng đang bơi trên biển, phun ra ngọn lửa rực rỡ, và phát ra tiếng ồn như tiếng sấm.
Một số tài liệu đương đại xác nhận "Ngọn lửa Hy Lạp" thực ra tồn tại dưới dạng chất lỏng, được bắn ra từ một hệ thống ống dẫn nằm ở mũi của các con tàu với thiết kế đặc biệt.
Hầu hết các học giả cho rằng hợp chất gây cháy tạo nên vũ khí đáng sợ bậc nhất thời Trung Cổ có thể bao gồm dầu mỏ thô, hoặc naphtha - một hỗn hợp hydrocarbon lỏng dễ cháy, với cơ chế hoạt động tựa như một loại bom napalm thời Trung Cổ.
Một số giả định khác cho rằng công thức của vũ khí có thể gồm nhựa thông, mỡ động vật, hắc ín, lưu huỳnh, vôi, nhựa đường... Tuy nhiên, ngay cả với công nghệ ngày nay, chúng ta vẫn chưa thể tái hiện lại những nét đặc trưng của loại vũ khí cổ xưa này.
Bí mật quốc gia được bảo vệ quá chặt chẽ?
Các nhà sử học cho rằng sở dĩ "Ngọn lửa Hy Lạp" vẫn còn là một bí ẩn cho đến nay, là bởi Đế chế Byzantine đã bảo vệ nó quá nghiêm ngặt.
Alex Roland, Giáo sư danh dự về Lịch sử tại Đại học Duke và là một chuyên gia về lịch sử quân sự thế giới cho rằng: "Ngọn lửa Hy Lạp được coi như vũ khí quốc gia của Đế chế Byzantine, và được giữ bí mật ở cấp độ cao nhất".
"Chỉ có 2 gia đình nắm được thành phần hóa học chính xác của Ngọn lửa Hy Lạp", GS. Roland chia sẻ. "Thế nhưng ngay cả khi đã biết điều này, bạn cũng không thể tái hiện vũ khí nguy hiểm bậc nhất trong lịch sử, bởi nó là một hệ thống phức tạp".
"Ngọn lửa Hy Lạp" là cơn ác mộng cho những kẻ dám đối đầu Đế chế Byzantine ở thời kỳ hoàng kim. (Ảnh: Reddit).
Đó là bởi có rất nhiều yếu tố quyết định nên thành công của thứ vũ khí này, bao gồm thiết kế con tàu, hệ thống chứa chất nổ, hệ thống bơm, hay cách đốt cháy chất lỏng để giữ an toàn cho con tàu...
"Người Hy Lạp đã làm rất tốt để vũ khí số 1 của họ không rơi vào tay kẻ địch. Bí quyết là không một ai biết tất cả về con tàu", GS. Roland nhận định. "Những kỹ sư chế tạo nên vũ khí dường như đều chỉ nắm được 1 phần nhỏ và rời rạc. Ngay cả khi họ ghi chép lại về kiến thức của mình, thì nó cũng hoàn toàn vô giá trị".
Ông mô tả việc này tựa như quy tắc "không nên bỏ trứng vào cùng một giỏ", mà chúng ta vẫn thường nhắc đến ngày nay.
Trớ trêu thay, việc giữ bí mật quá hoàn hảo đối với "Ngọn lửa Hy Lạp" lại gián tiếp là một trong những lý do khiến Đế chế Byzantine sụp đổ, với việc vũ khí tối thượng của họ nhanh chóng bị thất truyền theo thời gian và không còn được sử dụng rộng rãi trong quân đội.

Bí mật về bom chân không: "Thứ vũ khí khủng khiếp, có sức tàn phá khủng khiếp"
Bom chân không có thể khiến một người bốc hơi hoàn toàn!

Humvee trở thành huyền thoại xe quân sự như thế nào?
Trong vòng 30 năm qua, HMMWV (High Mobility Multipurpose Wheeled Vehicle), hay “Humvee”, đã trở thành mẫu xe biểu tượng cả trên chiến trường lẫn trong hoạt động vận tải quân sự.

Top 5 vũ khí tàng hình Mỹ uy lực nhất mọi thời đại
Tạp chí National Interest đã liệt kê 5 hệ thống vũ khí của Mỹ mà họ cho là "uy lực nhất mọi thời đại".

Kugelpanzer: Cỗ xe tăng có hình thù kỳ dị nhất trong lịch sử nhân loại!
Kugelpanzer là một mẫu thiết kế xe tăng của Đức trong Thế chiến II. Nó là một trong những phương tiện bọc giáp kỳ lạ nhất từng được thiết kế.

Khóa học khắc nghiệt nhất trong môi trường quân đội Mỹ, nơi sản sinh ra các "Aquaman" ngoài đời thực
Đây được cho là khóa học khó khăn nhất của quân đội Mỹ, nhằm rèn luyện khả năng lặn và thực hiện các nhiệm vụ dưới áp lực cao.

Đứt lìa 1 cánh, tiêm kích F-15 thoát hiểm ngoạn mục: Choáng váng, không thể tin nổi
Khi cố gắng khóa bắn chiếc tiêm kích F-15 kia, phi công A-4 Skyhawk đã cơ động và kéo cao mà không biết rằng chú "Đại bàng" của Nedivi đang bay ở ngay phía trên. Và thế là...
