Xuất hiện "lỗ đen" bí ẩn trên hành tinh lớn nhất Hệ Mặt trời
Bức ảnh chụp sao Mộc khiến người xem giật mình vì một vệt đen rất lớn, xuất hiện trên bề mặt hành tinh này giống như một "lỗ hổng".
Trong một bức ảnh được chụp từ tàu vũ trụ Juno của NASA, người ta bất ngờ quan sát thấy một "lỗ đen" bí ẩn trên bề mặt sao Mộc - hành tinh lớn nhất Hệ Mặt trời.
Đây thực chất là bóng đen của mặt trăng Ganymede.
Tuy nhiên, thực tế không hề đáng sợ như những gì mà bạn tưởng tượng. Đây không phải là một lỗ hổng, mà chỉ là bóng đen của Ganymede - mặt trăng lớn nhất của sao Mộc để lại trên hành trình di chuyển của nó.
Ganymede cũng đồng thời là vệ tinh lớn nhất trong Hệ Mặt trời, hơn cả sao Diêm Vương, với bán kính 2634,1 km. Trước đây, Ganymede thậm chí còn từng được coi là một hành tinh.
Ganymede có thành phần chủ yếu từ đá silicate và băng. Nhưng gần đây, các nhà khoa học đã phát hiện được sự xuất hiện của quyển từ trên mặt trăng này. Họ cũng tin rằng giữa các lớp băng trên Ganymede là một biển nước muối dày, nằm sâu ở khoảng 200 km trong lòng vệ tinh.
Theo NASA, để chụp được tấm ảnh tuyệt đẹp này, tàu Juno đã bay ở khoảng cách 71.000 km từ bề mặt sao Mộc, gần hơn khoảng 15 lần so với khoảng cách quỹ đạo 1,1 triệu km của Ganymede. "JunoCam đã chụp được hình ảnh này từ khoảng cách rất gần sao Mộc, làm cho bóng của Ganymede xuất hiện đặc biệt lớn", NASA cho biết.
NASA cũng chia sẻ thêm rằng, tàu vũ trụ Juno đang thực hiện một sứ mệnh dài hạn để tìm hiểu thời tiết và cơ chế động lực học của sao Mộc. Nghiên cứu hành tinh này từ khoảng cách gần cho phép các nhà khoa học hiểu được cách các hành tinh lớn có thể hoạt động trong các Hệ Mặt trời khác.