4 loại tên lửa hành trình kỳ lạ, cấu tạo như máy bay của Nga
Các loại tên lửa hành trình thời kỳ đầu do Liên Xô chế tạo có cấu tạo như một chiếc máy bay phản lực thu nhỏ và chúng còn được phóng từ máy bay.
Những tên lửa hành trình kỳ lạ của Nga
1. Tên lửa KS-1 Komet
Tên lửa này được phát triển sau Thế chiến thứ 2 với mục đích là chống hạm.
Komet có thể là loại tên lửa không đối đất đầu tiên của Liên Xô. Tên lửa này được phát triển sau Thế chiến thứ 2 và mục đích chính của nó là chống hạm, cụ thể là để chống lại NATO và quân đội Mỹ.
Ngoại hình của Komet rất khác thường. Nó có kích thước gần bằng một chiếc máy bay chiến đấu MiG-15 của Liên Xô, kèm theo đó là một họng hút gió lớn bên dưới mũi tên lửa, phần cánh và phần đuôi cơ bản giống với MiG-15. Và hiệu năng hoạt động của nó được cho là tương đương với một chiếc MiG-15.
Không như các loại tên lửa hành trình hiện đại, Komet được trang bị một động cơ phản lực là bản sao được chế lại từ động cơ của Rolls-Royce và đầu đạn chứa 600kg chất nổ.
2. Tên lửa Sopka
Tên lửa này được phóng từ bệ phóng cơ động trên xe vận chuyển.
Ngoại hình của Sopka tương tự như KS-1 nhưng điểm khác biệt là nó được phóng từ bệ phóng cơ động trên xe vận chuyển. Nhờ đó, loại tên lửa này có thể bố trí ở nhiều nơi, không chỉ tại căn cứ không quân. Ngoài ra, nó còn được hỗ trợ bởi một tên lửa đẩy giúp thoát khỏi bệ phóng và tăng tốc, sau đó động cơ phản lực sẽ tiếp tục làm nhiệm vụ.
Loại tên lửa này được bố trí ở vùng ngoại ô Bức Màn Sắt và tại một số địa điểm ở Ba Lan, Đông Đức để chuẩn bị đối phó với cuộc xâm lược của NATO. Tên lửa Sopka cũng được xuất khẩu đến Ai Cập và nó đã được sử dụng tại cuộc chiến với hải quân Israel trong chiến tranh Yom Kippur năm 1973.
3. Tên lửa FKR-1
Tên lửa FKR-1 có tầm bắn khá tốt ở thời đại của nó, khoảng 180km.
Các biến thể đầu tiên được trang bị chất nổ thông thường, nhưng riêng FKR-1 được trang bị đầu đạn hạt nhân. FKR-1 có tầm bắn khá tốt ở thời đại của nó, khoảng 180km.
Cũng giống với tên lửa Sopka, FKR-1 cũng sử dụng bệ phóng di động và có thể phóng trực tiếp từ trên xe vận chuyển thay vì phóng trên không. Trong suốt Cuộc Khủng hoảng Tên lửa Cuba, một lượng lớn tên lửa FRK-1 đã được đưa đến Vịnh Guantanamo và Florida.
Năm 1962, Thủ tướng Liên Xô Nikita Khrushchev nói rằng nếu một cuộc chiến tranh với Mỹ nổ ra vì sự hiện diện của Liên Xô ở Cuba thì căn cứ hải quân tại Vịnh Guantanamo sẽ biến mất ngay trong ngày đầu tiên của cuộc chiến và ông có đủ tên lửa để làm điều này.
Các nhà sử học không đồng ý về việc liệu các chỉ huy trên mặt đất có quyền phóng tên lửa FKR-1 hay không. Dù vậy, sự hiện diện số lượng lớn tên lửa hạt nhân chiến lược gần Mỹ như vậy cũng đã là một hồi chuông cảnh báo.
4. Tên lửa KSR-2
Tên lửa KSR-2 được trang bị tên lửa đẩy, bổ sung nhiều khả năng hơn.
Thiết kế tên lửa hành trình của Liên Xô được nâng cấp vào đầu thập niên 60 của thế kỷ 20 với sự ra mắt của phiên bản KSR-2. Mặc dù được trang bị tên lửa đẩy, thiết kế mới vẫn giữ lại cụm cánh và đuôi của tên lửa Komet. KSR-2 với thiết kế mới đã bổ sung thêm nhiều khả năng như tên lửa đẩy cho phép KSR-2 được phóng đi ở độ cao thấp hơn và tốc độ máy bay thấp hơn. Ngoài ra, phạm vi hoạt động của KSR-2 cũng tăng lên đáng kể, từ dưới 100 km ở phiên bản Komet lên đến 200 km.
Tên lửa hay máy bay?
Về cơ bản, những nỗ lực ban đầu trong chế tạo tên lửa hành trình chính là thu nhỏ những chiếc máy bay phản lực và đến nay thì những chiếc máy bay không người lái lại có thiết kế y như những tên lửa hành trình thời kỳ đầu. Có khi nào chúng ta đang đi vòng tròn?