Ai Cập phát hiện 33 ngôi mộ gia đình niên đại thời Hy Lạp-La Mã cổ đại
Theo phóng viên tại Cairo, Bộ Du lịch và Cổ vật Ai Cập ngày 24/6 cho biết phái đoàn khảo cổ Ai Cập-Italy làm việc tại một nghĩa trang ở phía Tây tỉnh Aswan, thuộc miền Nam Ai Cập, đã phát hiện 33 ngôi mộ gia đình có niên đại từ thời Hy Lạp-La Mã cổ đại.
Phát hiện này bổ sung cho những bằng chứng khảo cổ quý giá về khu vực nghĩa trang gần lăng mộ Aga Khan ở bờ Tây sông Nile, với hơn 400 ngôi mộ có niên đại từ thế kỷ thứ 6 trước Công nguyên đến thế kỷ thứ 3 sau Công nguyên.
Một trong những ngôi mộ được phát hiện. (Nguồn: Bộ Du lịch và Cổ vật Ai Cập).
Một số ngôi mộ vẫn còn lưu giữ được các bộ phận của xác ướp và tàn tích của những món đồ tang lễ, điều này góp phần làm sáng tỏ nhiều hơn về thời kỳ Hy Lạp-La Mã cổ đại của Ai Cập.
Một số ngôi mộ được khoét sâu vào trong núi, trong khi những lăng mộ khác được bao quanh bởi những bức tường làm bằng gạch bùn.
Ngoài ra, các nhà khảo cổ còn tìm thấy các bức tượng nhỏ bằng đất nung được sơn vẽ rời rạc, quan tài bằng đá và gỗ, bàn hiến tế và nhiều thùng giấy sơn màu ở bên trong những ngôi mộ được khai quật.
Theo Tổng Giám đốc của bảo tàng cổ vật Aswan, ông Abdel-Moneim Said, các nghiên cứu sơ bộ tiết lộ cư dân tầng lớp trung lưu ở đảo Elephantine thuộc tỉnh Aswan được chôn cất trong các ngôi mộ nằm ở phần thấp của nghĩa trang, trong khi phần trên cao dành riêng cho tầng lớp thượng lưu.
Phái đoàn khảo cổ Ai Cập-Italy cũng đã tiến hành phân tích nhân chủng học và X quang trên nhiều xác ướp được phát hiện bằng cách sử dụng những công nghệ tiên tiến.
Người đứng đầu phái đoàn khảo cổ của Italy, giáo sư Ai Cập học tại Đại học Milan Patrizia Piacentini giải thích rằng nghiên cứu nhân khẩu học đã thu thập hồ sơ sinh học hoàn chỉnh nhất có thể, bao gồm chẩn đoán giới tính, độ tuổi ước tính khi chết và bất kỳ dấu hiệu bệnh lý hoặc chấn thương nào.
Bộ Du lịch và Cổ vật Ai Cập lưu ý rằng những nghiên cứu về các xác ướp được phát hiện cho thấy 30-40% số thi thể này được chôn cất là thanh thiếu niên và trẻ sơ sinh.
Một số cá nhân trước khi chết đã mắc các bệnh truyền nhiễm như lao hoặc rối loạn chuyển hóa như loãng xương, viêm xương khớp, suy dinh dưỡng, thiếu máu.
Kết quả chụp CT cũng cho thấy sự hiện diện của vòng đeo tay ở một số xác ướp và có thể tái tạo lại các vòng này theo mô hình ba chiều bằng cách sử dụng kỹ thuật hiện đại.