Béo phì là do thiếu hụt hàng chục đoạn gen ADN
Trong báo cáo nghiên cứu đăng trên tạp chí Tự nhiên số ra mới nhất, các nhà khoa học Anh và Pháp cho biết, trong cơ thể của một số người mắc bệnh béo phì thiếu hàng chục đoạn gen.
Béo phì liên quan đến sự thiếu hụt gene. Ảnh minh họa.
Đây là lần đầu tiên các nhà khoa học phát hiện mối quan hệ giữa bệnh béo phì và sự thiếu hụt gen.
Các nhà khoa học lần đầu tiên đã phân tích bản đồ gen của những người mắc bệnh béo phì và phát hiện trong cơ thể của 31 đối tượng nghiên cứu đều thiếu hụt đoạn ADN. Đoạn ADN này nằm ở vị trí nhiễm sắc thể 16p11.2, trong đó bao gồm khoảng 30 bộ gen.
Sau đó các nhà khoa học tiếp tục tiến hành điều tra trên quy mô lớn đối với khoảng 16.000 đối tượng đến từ nhiều quốc gia châu Âu, và phát hiện trong cơ thể của 19 đối tượng mắc bệnh béo phì đều xuất hiện tình trạng thiết hụt gen giống nhau.
Trong khi đó, ở những người có trọng lượng cơ thể bình thường thì lại không phát hiện thấy sự thiếu các gen tương đồng.
Ngoài ra, nghiên cứu còn phát hiện, những người thiết hụt các bộ gen này đã bắt đầu có khuynh hướng béo lên ngay thì thời kỳ thanh thiếu niên, sau khi trưởng thành tình trạng này tiếp tục diễn biến theo chiều hướng ngày càng béo phì. Việc thiếu hụt các đoạn gen này có thể là do di truyền, nhưng cũng có thể là do sự đột biến gen.
Nghiên cứu trước đó phát hiện, bệnh béo phì có thể có mối quan hệ với sự biến đổi của gen cá biệt.
Theo giáo sư Philippe Froguel thuộc Học viện khoa học tự nhiên Imperial của Anh, mặc dù hiện tượng béo phì trong xã hội hiện đại chủ yếu là do việc ăn uống không lành mạnh và không luyện tập thường xuyên, tuy nhiên sự phản ứng của cơ thể con người đối với những nhân tố này có căn nguyên sâu xa từ các đoạn gen.
Nếu như có thể thông qua việc trắc nghiệm gen để phát hiện những người dễ mắc bệnh béo phì sẽ giúp các nhà khoa học thông qua sự can thiệp bằng các biện pháp trị liệu y học để chữa trị bệnh béo phì./.