Các nhà khảo cổ tìm thấy hóa thạch loài cò khổng lồ cổ đại cao hơn người
Các nhà khảo cổ phát hiện cò Flores cao 1,5 mét trên hòn đảo cùng tên chuyên ăn xác động vật và đây có thể là lý do chúng bị tuyệt chủng.
Hình ảnh phục dựng của cò khổng lồ đảo Flores. (Ảnh: Gabriel Ugueto)
Ở Flores cổ đại, một hòn đảo phía đông Indonesia, người lùn (Homo floresiensis) từng sống chung với loài cò khổng lồ. Với chiều cao hơn 1,5 mét, cò Leptoptilos robustus thời Đồ Đá to lớn hơn nhiều so với người H. floresiensis chỉ cao 0,9 mét, sống cách đây hơn 60.000 năm. Trước đây, các nhà cổ sinh vật học cho rằng L. robustus là loài chim không biết bay thích nghi với hệ sinh thái biệt lập trên đảo. Nhưng phân tích mới trên hóa thạch xương cánh, công bố hôm 13/7 trên tạp chí Royal Society Open Science, đã thay đổi suy nghĩ của họ. Bất chấp kích thước lớn, sải cánh 3,7 mét nhiều khả năng cho phép cò cổ đại bay cao.
Phát hiện mới thôi thúc các nhà cổ sinh vật học xem xét lại cấu tạo cơ thể và hành vi của L. robustus. Thay vì săn con mồi nhỏ, nghiên cứu của họ chỉ ra chúng có thể là động vật ăn xác thối như nhiều loài cò tiền sử biết bay khác, tương tự cò marabou ở vùng cận Sahara ngày nay. Sự ưa chuộng xác động vật của cò Flores thậm chí có thể giải thích tại sao chúng tuyệt chủng.
Nhóm nghiên cứu có thể tạo ra hình ảnh mới của cò khổng lồ Flores nhờ 21 chiếc xương, bao gồm xương cánh tìm thấy trong hang Liang Bua - nơi chúng tránh nóng và uống nước. Nhưng động vật ăn thịt có thể tranh thủ cơ hội để bắt mồi dễ dàng. Xác con vật bị rồng Komodo hoặc người H. floresiensis giết có thể thu hút cò tới ăn thịt thừa. Sau đó, chúng có thể chết trong hang và bị chôn vùi ở đó, trở thành hóa thạch sau hàng chục nghìn năm.
Những chiếc xương đầu tiên của L. robustus được phát hiện vào năm 2004, nhưng phải mất nhiều năm sau, các chuyên gia mới thu thập và phân loại nhiều hóa thạch hơn đến từ loài này. Nghiên cứu mới của Meijer và cộng sự giúp tạo ra bức tranh hoàn chỉnh hơn về loài vật. Nếu cò Flores không biết bay, xương cánh của chúng sẽ nhỏ hơn và có dấu hiệu cho thấy bộ phận đó không còn được dùng để bay. Khi xương cánh của cò Flores được nhận dạng trong bộ sưu tập ở hang Liang Bua, Meijer nhận thấy chúng trông như xương cánh dùng để bay. Phát hiện đã khiến nhóm nghiên cứu thay đổi suy nghĩ về loài chim khổng lồ.