Cải tạo quảng trường, lộ ra hài cốt 7.000 năm "không bị thời gian chạm tới"
Như chỉ vừa an nghỉ vài năm, một bộ hài cốt bí ẩn xuất hiện giữa quảng trường thị trấn Słomniki miền Nam Ba Lan, đem đến nhiều dữ liệu bất ngờ và cả những hoài nghi.
Theo Live Science, bộ hài cốt bí ẩn được phát hiện trong quá trình cải tạo quảng trường của thị trấn, nguyên vẹn từng mảnh xương một cho đến tư thế nằm khi an nghỉ giữa thời đại đồ đá mới.
Hiện trường khai quật - (Ảnh: Pawel Micyk & Lukasz Szarek).
Ông nằm bên cạnh nhiều mảnh gốm, có thể là phần còn lại của những món đồ tùy táng. Chính các mảnh gốm này đã giúp các nhà khoa học nhanh chóng xác định niên đại của bộ hài cốt là khoảng 7.000 năm trước.
Và đó là con số gây kinh ngạc, bởi lẽ xương người với thời gian đó lẽ ra đã hư hại khá nhiều, nhưng người này thì không. Hoàn toàn có thể nghĩ người đó - chưa rõ là nam hay nữ - chỉ mới an nghỉ vài năm hay cùng lắm là vài chục năm.
Bộ hài cốt nguyên vẹn đến mức gần như vô lý sau 7.000 năm - (Ảnh: Pawel Micyk & Lukasz Szarek).
Phân tích sơ bộ từ nhóm dẫn đầu bởi nhà khảo cố Pawel Micyk từ Galty Earth & Engineering Service, một cơ quan khảo sát địa phương phụ trách địa điểm này, cho biết nguyên nhân khiến bộ hài cốt nguyên vẹn bất thường là do đất tơi xốp ở nơi người này được chôn cất không có tính axit.
"Hiện tại chúng tôi không thể xác định người được chôn cất là ai, mặc dù phân tích sắp tới của một nhà nhân chủng học có thể sẽ tiết lộ thêm thông tin" - ông Micyk nói.
Nhóm nghiên cứu cũng dự định xác định niên đại chuẩn xác hơn của bộ hài cốt thông qua phương pháp định tuổi bằng đồng vị carbon phóng xạ.
Ngoài đồ gốm, các nhà khảo cổ còn tìm thấy những mảnh đá lửa bên cạnh hài cốt. Đồ đạc trong mộ bị hư hại là do phần trên của ngôi mộ đã bị san phẳng bởi các công trình xây dựng trước đây mà không ai biết còn có người nằm bên dưới.
Dù đầy bí ẩn, nhưng ngôi mộ dần tiết lộ và sẽ tiết lộ thêm trang sử đầy thú vị của những người nông dân thời đồ đá mới ở khu vực, đã vượt qua dãy núi Carpathians từ phía Nam đến Ba Lan vào thiên niên kỷ thứ 6 trước Công Nguyên, theo bình luận của phó giáo sư khảo cổ học Malgorzata Kot từ Đại học Warsaw (Ba Lan) gửi đến Live Science.