Chiêm ngưỡng ảnh chụp hồ nhân tạo rộng 5.250km2 nhìn từ vũ trụ
Cơ quan Vũ trụ châu Âu hôm 18/3 công bố ảnh chụp hồ Nasser, một trong những hồ nhân tạo lớn nhất thế giới, của vệ tinh Copernicus Sentinel-2.
Hồ Nasser nằm ở miền nam Ai Cập và miền bắc Sudan, hình thành do việc xây đập Aswan trên sông Nile cuối những năm 1960. Dự án tham vọng này được thực hiện nhằm cung cấp nước tưới cho nông nghiệp và thu hút người dân đến khu vực. Trong ảnh, hồ nước này nằm ở phía dưới bên phải, có màu đen.
Một phần hồ nhân tạo Nasser trong ảnh chụp của vệ tinh Copernicus Sentinel-2. (Ảnh: ESA)
Đập Aswan nằm cách khu vực trong ảnh khoảng 200 km về phía đông bắc. Đập chứa nước lũ từ sông Nile rồi xả khi cần, giúp cung cấp nước cho hàng trăm nghìn ha đất ở hạ lưu cũng như khu vực lân cận. Đập cũng giúp cải thiện giao thông qua Aswan và tạo ra một lượng lớn thủy điện. Hồ có tổng diện tích bề mặt là 5.250 km2, độ sâu trung bình 25 m.
Khu đền Abu Simbel của Ai Cập cổ đại từng nằm trong phạm vi nước dâng của đập Aswan nên cần di dời. Những năm 1960, khu di tích lịch sử này được tháo rời từng phần và lắp ráp lại ở địa điểm mới để tránh bị ngập. Trong ảnh, thị trấn Abu Simbel và sân bay của nó nằm sát dưới cùng, gần một số đồn điền được đánh dấu bằng màu đỏ.
Một phần hồ Toshka, vùng trũng tự nhiên được nước tràn từ hồ Nasser lấp đầy, xuất hiện ở góc trên bên trái bức ảnh. Hồ này hình thành vào thập niên 1980 và 1990 do sự chuyển hướng của nước từ hồ Nasser qua kênh nhân tạo màu xanh trong ảnh.
Mực nước của các hồ phụ thuộc vào dòng chảy từ sông Nile. Năm 2012 - 2018, các hồ thu hẹp đáng kể. Tuy nhiên, lượng mưa mùa hè ở Sudan năm 2019 và lũ lụt kỷ lục năm 2020 khiến nước hồ dâng lên nhanh chóng. Các hồ tương đối mặn, dấu hiệu của hiện tượng phú dưỡng và tảo cũng xuất hiện trong ảnh.
Ảnh chụp do Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) công bố là ảnh tổng hợp đã qua xử lý màu, được tạo ra bằng cách sử dụng kênh cận hồng ngoại của Copernicus Sentinel-2 để làm nổi bật thảm thực vật khan hiếm trong vùng. Điều này giúp nhận diện các cánh đồng hình tròn trong ảnh, cánh đồng lớn nhất có đường kính khoảng 750m.

Những sự thật thú vị về vũ trụ có thể bạn chưa biết
Cho tới nay, thế giới vũ trụ rộng lớn vẫn còn là chứa đựng nhiều điều bí ẩn mà khoa học hiện đại vẫn chưa khám phá hết.

Tên lửa hoạt động như thế nào trong không gian?
Trên thực tế, ở không gian vũ trụ không có không khí, vậy làm thế nào tên lửa có thể đốt cháy động cơ và nhiên liệu thiết yếu cần có trong không gian?

10 điều kỳ lạ nhất của vũ trụ
Lỗ đen có kích thước tương đương hạt nhân nguyên tử, thiên hà "ăn thịt", những hạt vật chất có khả năng đâm xuyên qua lớp chì dày hàng chục km chỉ là vài trong số những phát hiện gây sốc nhất về không gian bên ngoài trái đất.

Sống trên Mặt trăng hay sao Hỏa tốt hơn? Khoa học đã có câu trả lời!
Liệu nên sống ở Mặt trăng hay sao Hỏa nếu con người cần di chuyển đến một nơi ở khác ngoài Trái đất?

Các hành tinh trong Hệ Mặt trời
Hệ Mặt trời (hay Thái Dương Hệ) là hệ hành tinh gồm có Mặt Trời ở trung tâm và các vật quay xung quanh.

Tổng quan về sao Hỏa
Sao Hỏa còn gọi là: Hỏa Tinh, là hành tinh thứ tư tính từ Mặt Trời trong Thái Dương Hệ. Đôi khi hành tinh này còn được gọi tên là Hỏa Tinh.
