Chuyên gia Nga cảnh báo về nguy cơ "vũ khí hóa" thiên thạch
Một chuyên gia quân sự của Nga đã cảnh báo rằng Mỹ và đồng minh phương Tây đang thử nghiệm việc tạo ra vũ khí từ các thiên thạch và tiểu hành tinh.
Theo Eurasian Times (ET), vào cuối tháng 6, ông Anatoly Zaitsev - Giám đốc Trung tâm Bảo vệ Hành tinh Nga và thành viên danh dự của Học viện Vũ trụ Tsiolkovsky, đã có cuộc phỏng vấn với TASS. Tại đây, ông Zaitsev đã cảnh báo về việc Mỹ và các nước phương Tây đang muốn "vũ khí hóa" thiên thạch.
"Các chương trình mang danh nghĩa bảo vệ Trái đất khỏi các nguy cơ từ vũ trụ cũng là cơ hội để thử nghiệm vũ khí động năng, vũ khí laser hay thậm chí là "vũ khí hóa thiên thạch"", ông Zaitsev nói.
Việc sử dụng một thiên thạch như một "vũ khí" là khả thi.
Theo chuyên gia người Nga, có 2 phương pháp tiềm năng trong việc tạo ra vũ khí từ vật thể ngoài vũ trụ:
- Phương án đầu tiên là che giấu thông tin về một thiên thạch nguy hiểm. Tuy vậy, phương án này hầu như không khả thi trong thời đại hiện nay, và các công nghệ của con người cũng chỉ phát hiện được 0,1% trong số 2.500 thiên thạch tiếp cận Trái đất mỗi năm.
- Phương án thứ hai là điều chỉnh quỹ đạo di chuyển của thiên thạch, và nó khả thi hơn rất nhiều. Ông Zaitsev cho biết, trong vòng 30 năm qua, Mỹ và các quốc gia khác đã tổ chức 12 hoạt động nghiên cứu tiểu hành tinh và thiên thạch. Các nghiên cứu này bao gồm việc thử nghiệm phương tiện kiểm soát đường bay của thiên thạch. Gần đây nhất, vào tháng 10/2022, NASA đã hoàn thành nhiệm vụ điều hướng tiểu hành tinh Dimorphoss bằng tàu vũ trụ DART.
Chuyên gia của Nga chia sẻ, nước này đang có những nghiên cứu độc lập về việc phát triển một hệ thống nhằm đối phó với các nguy cơ ngoài không gian. Những nghiên cứu này không chỉ nâng cao khả năng phòng thủ của Nga mà còn thúc đẩy tiến trình phát triển công nghệ trên toàn thế giới.
Theo Giáo sư Thiên văn học Thomas Bania (Đại học Boston, Mỹ), việc sử dụng một thiên thạch như một "vũ khí" là khả thi. Phương pháp để đạt được điều này là hạ cánh lên thiên thạch, lắp đặt một phương tiện điều hướng để thiên thạch hướng về một vị trí cụ thể trên Trái đất.
"Điều này khả thi trên lý thuyết, nhưng các thiết bị để điều chỉnh hoàn toàn quỹ đạo của một thiên thạch mới chỉ ở giai đoạn nguyên mẫu. Ngoài ra, thiên thạch là một vũ khí tốn thời gian để triển khai, và không thực sự khó để bên phòng thủ tìm ra cách để đối phó", ông Bania nhận xét.
Trong khi đó, một chuyên gia của Tổ chức nghiên cứu vũ trụ Ấn Độ (ISRO) lại phản đối việc tạo ra vũ khí từ thiên thạch và tiểu hành tinh. "Chúng ta không nói về các bộ phim viễn tưởng. Đây là một khoản đầu tư tốn kém và không có nhiều tác dụng thực tế", chuyên gia của ISRO nói với ET.