Con người và biến đổi khí hậu "giết chết" hồ Sawa
Từng là vùng đất ngập nước đa dạng sinh học, lưu vực hồ Sawa ngày nay bị thu hẹp thành một ao nhỏ, bao quanh bởi đất hoang cằn cỗi.
Hồ Sawa cạn khô do biến đổi khí hậu và hoạt động của con người. (Video: AFP)
Tấm biển "Cấm đánh cá" ở rìa sa mạc phía tây Iraq, cách thành phố thủ phủ Al-Samawa của tỉnh Muthanna khoảng 23 km, là một trong số ít manh mối còn sót lại cho thấy đây từng là hồ Sawa, một vùng đất ngập nước đa dạng sinh học cùng với các hoạt động giải trí và du lịch nghỉ dưỡng.
Tuy nhiên, hoạt động của con người và biến đổi khí hậu đã biến khu vực này thành đất hoang cằn cỗi với đầy muối phủ trên bề mặt nứt nẻ. Hồ nước mặn từng rộng hơn 5km2 giờ đây chỉ còn là một cái ao nhỏ, nơi được kết nối với nguồn nước ngầm.
"Năm nay, lần đầu tiên hồ biến mất", nhà hoạt động môi trường Husam Subhi nhấn mạnh. "Những năm trước, diện tích nước chỉ giảm vào mùa khô".
Diện tích hồ bị thu hẹp lại chỉ bằng cái ao nhỏ.
"Hồ Sawa có một lịch sử đặc biệt đối với tất cả cư dân của Samawa. Tôi đã 60 tuổi và lớn lên cùng với hồ. Tôi từng nghĩ rằng mình sẽ chết trước nó, nhưng thật buồn là nó đã biến mất trước tôi", nhà hoạt động môi trường Latif Dibes chia sẻ thêm.
Theo Youssef Jabbar, người đứng đầu bộ phận môi trường của tỉnh Muthana, lượng nước trong hồ đã giảm trông thấy từ năm 2014. Nguyên nhân chính là do hạn hán và nhiệt độ tăng, gây ra bởi biến đổi khí hậu.
"Muthana là một tỉnh sa mạc, thường xuyên xảy ra hạn hán và thiếu lượng mưa", Jabbar giải thích.
Trong một tuyên bố vào tuần trước, chính phủ Iraq cũng chỉ ra hơn 1.000 giếng đào bất hợp pháp cho hoạt động nông nghiệp trong khu vực, cùng với các nhà máy xi măng và muối gần đó đã "rút một lượng nước đáng kể từ mạch nước ngầm cung cấp cho hồ".
Công ước Ramsar về Đất ngập nước đã mô tả Sawa là "hồ nước độc nhất" bởi nó là vùng nước khép kín hoàn toàn bên trong một cánh đồng muối không có đầu vào và đầu ra.
"Hồ được hình thành trên đá vôi và bị cô lập bởi các rào cản thạch cao xung quanh. Đặc điểm hóa học nước của nó là độc nhất", trang web của công ước cho biết.
Là điểm dừng chân của các loài chim di cư, hồ Sawa từng là nhà của một số loài có nguy cơ tuyệt chủng trên toàn cầu như đại bàng hoàng đế phương Đông, ô tác Houbara và vịt cẩm thạch, nhưng ngày nay tất cả đã biến mất.
Mưa ở Samawah hoặc khu vực gần hồ đạt tỷ lệ rất thấp và chỉ đạt 30% mức trung bình chung hàng năm, điều này đã làm giảm mực nước ngầm. Nhiệt độ tăng cũng khiến nước bốc hơi nhiều hơn.
Trong một nỗ lực hồi sinh hồ Sawa, các nhà chức trách đã cấm đào thêm giếng mới và đang tiến hành đóng cửa các giếng trái phép hiện có.
"Các biện pháp phải được thực hiện và trong đó, quan trọng nhất là dừng các giếng đào cũng như dự án công nghiệp, chẳng hạn như nhà máy xi măng và muối gần hồ. Nếu các dự án này ngừng hoạt động, một phần nước ngầm có thể quay trở lại hồ", Jabbar cho hay.