Công nghệ chôn 100 tấn CO2 xuống lòng đất mỗi ngày
Công nghệ của startup 44.01 bao gồm việc trộn CO2 với nước rồi bơm xuống những vết nứt trong đá peridotite ở độ sâu khoảng 1km dưới lòng đất.
Startup Oman 44.01 phát triển một quy trình mới có thể giam giữ CO2 vĩnh viễn dưới lòng đất, giúp loại bỏ một lượng lớn loại khí làm ấm hành tinh này khỏi khí quyển, Interesting Engineering hôm 15/7 đưa tin. 44.01, được đặt tên theo khối lượng phân tử của CO2, đã kiểm chứng công nghệ tại Oman và hy vọng sẽ mở rộng ra toàn cầu.
Startup 44.01 đẩy nhanh quá trình khoáng hóa CO2 tự nhiên từ hàng thập kỷ xuống còn chưa đầy một năm. (Ảnh: 44.01).
Startup này trộn CO2 với nước trước khi bơm xuống lỗ khoan sâu 1km. Từ đây, hỗn hợp sẽ thấm vào các vết nứt trong peridotite, một loại đá bị nứt tự nhiên. Đá cô lập CO2 thông qua quá trình khoáng hóa carbon, trong đó một số khoáng chất phản ứng với CO2 để tạo thành carbonate rắn. Điều này đồng nghĩa, carbon bị giữ lại dưới lòng đất và không thể bay trở lại vào khí quyển.
Peridotite thường nằm sâu trong lòng đất, nhưng tại Oman, các mỏ đá ở gần bề mặt hơn. Chúng cho phép các nhà khoa học quan sát khả năng cô lập carbon của peridotite. Công nghệ của 44.01 giúp đẩy nhanh quá trình cô lập bằng cách bơm nước chứa CO2 vào những vết nứt của peridotite. "Thay vì mất hàng thập kỷ như trong tự nhiên, chúng tôi chỉ mất vài tháng", Talal Hasan, nhà sáng lập kiêm CEO của startup này cho biết.
44.01 đặt mục tiêu thương mại hóa công nghệ của mình tại Oman và UAE trước khi mở rộng ra toàn cầu. Công ty đã hoàn thành các dự án thử nghiệm tại hai quốc gia này. Những thử nghiệm ban đầu cho thấy công nghệ mới hiện có thể cô lập khoảng 50 - 60 tấn CO2 mỗi ngày. Khi thương mại hóa, 44.01 đặt mục tiêu cô lập 100 tấn CO2 mỗi ngày với mỗi lỗ khoan.
Dù công nghệ cô lập và thu giữ carbon có thể đóng vai trò quan trọng giúp hạn chế tác động của biến đổi khí hậu, nhiều nhà khoa học cảnh báo rằng không nên coi đây là giải pháp thực sự. Thay vào đó, các nước cần giảm mạnh việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch - nguồn tạo ra khí thải. Lượng CO2 cần loại bỏ khỏi khí quyển sẽ vô cùng lớn, đòi hỏi nỗ lực lớn trên toàn cầu, kể cả khi ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch ngừng thải CO2 vào khí quyển ngay hôm nay.