Evelyn Dove: Nữ ca sĩ da màu vượt qua phân biệt chủng tộc để "tỏa sáng"
Hôm nay (11/1), Google Doodle để hình ảnh kỉ niệm 117 năm ngày sinh của Evelyn Dove, nữ ca sĩ da màu đầu tiên trên Đài BBC.
Evelyn Dove là ai?
Evelyn Dove sinh ra ở London vào ngày 11/1/1902 và thể hiện tài năng nghệ thuật từ nhỏ.
Google Doodle kỉ niệm ngày sinh của Evelyn Dove.
Theo đuổi ước mơ của mình, Dove học piano, học thanh nhạc và nghệ thuật diễn thuyết tại Học viện Âm nhạc Hoàng gia.
Tuy nhiên, sau khi tốt nghiệp Evelyn Dove nhận ra rằng nền âm nhạc cổ điển vào thời điểm đó không chào đón một nữ ca sĩ thuộc chủng tộc hỗn hợp, mặc dù giọng hát của cô rất tuyệt vời.
Dù vậy, thực trạng phân biệt chủng tộc đã không thể ngăn được Dove đến với nghệ thuật. Bà đã chăm chỉ thực hành các kỹ năng của mình tại các chương trình tạp kỹ và nhạc jazz ở London và là một thành viên của Dàn nhạc Giao hưởng Phía Nam.
Thành công rực rỡ
Bà gây tiếng vang đầu tiên với kịch thời sự đả kích bằng nhạc jazz có tên Chocolate Kiddies trong một chuyến lưu diễn ở châu Âu.
Từ đó, sự nghiệp của Dove liên tục phát triển. Danh tiếng của bà lan tỏa cùng các chuyến lưu diễn khắp thế giới.
Evelyn Dove đã góp phần xóa bỏ sự kì thị đối với người da màu.
Nhưng đỉnh cao của sự nghiệp của Evelyn Dove bắt đầu vào năm 1939 khi bà tham gia cùng ca sĩ nhạc dân gian Edric Connor trong chương trình Serenade ở Sepia của BBC Radio.
Chương trình này nổi tiếng đến mức nó kéo dài trong một thập kỷ trước khi trở thành một chương trình truyền hình. Trong suốt thời gian đó, bà còn xuất hiện với tư cách ca sĩ trong nhiều chương trình phát thanh nổi tiếng khác như Caribbean Carnival, Mississippi Nights và Calling the West Indies.
Sau khi thành công trên BBC, bà đến Ấn Độ, Paris và Tây Ban Nha để cất lên tiếng hát của mình. Evelyn Dove đã góp phần xóa bỏ sự kì thị đối với người da màu.
Năm 1987, bà qua đời vì viêm phổi ở tuổi 84.
Chính vì những nỗ lực xuất sắc của bà để vượt qua những định kiến và sự phân biệt chủng tộc, Evelyn Dove đã được Google Doodle kỉ niệm 117 năm ngày sinh để ca ngợi bà.