Gen Z già nhanh vì hút thuốc lá điện tử
Chuyên gia cho biết nhiều người thuộc thế hệ Z (sinh năm 1997 đến năm 2012) có vẻ ngoài già hơn vì hút thuốc lá điện tử.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, những người từ 18 đến 24 tuổi có tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử cao nhất, cao hơn nhiều so với người từ 45 tuổi trở lên. Bên cạnh những tác động có thể gây tử vong, việc hít khói thuốc có thể gây hôi miệng, vàng răng và tạo ra các nếp nhăn sớm.
Sự hấp dẫn của thuốc lá điện tử nằm ở thiết kế "không khói thuốc". Tuy nhiên, tiến sĩ Bav Shergill, thành viên của Hiệp hội Bác sĩ Da liễu Anh, cho biết nicotine có thể phá vỡ tính đàn hồi, khiến làn da kém căng bóng.
"Một số chất trong khói thuốc gây hại cho làn da. Nicotine là vấn đề lớn nhất, có thể gây nghiện và ảnh hưởng xấu đến da. Nicotine và các thành phần hoạt chất có thể gây mụn trứng cá, bệnh vảy nến", tiến sĩ Shergill giải thích.
Khi da bị tổn thương bởi các loại hóa chất độc hại, cơ thể sẽ kích hoạt hệ miễn dịch gây viêm mạn tính. Điều này làm trầm trọng thêm một số tình trạng da sẵn có như vảy nến.
"Khi cơ thể bạn bắt đầu phản ứng viêm, nguồn máu cung cấp sẽ tăng lên. Cơ thể lấm tấm và đỏ bừng", Shergill cho biết.
Minh họa một người hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Unplash).
Các tế bào da của người sử dụng nicotine cũng dễ thoái hóa. Nghiên cứu trước đó, so sánh các cặp song sinh cho thấy người hút thuốc có làn da bắt nắng nhiều hơn người còn lại. Quá trình lão hóa của họ cũng khởi đầu sớm hơn. Sự kết hợp giữa ánh sáng mặt trời và khói thuốc từ thuốc lá điện tử có thể hạn chế lưu lượng máu đến da theo thời gian. Đây vốn là điều cần thiết để sửa chữa và tái tạo các tế bào khỏe mạnh.
Nhiệt lượng do các loại thuốc lá điện tử tạo ra cũng có thể dẫn tới tổn thương do nhiệt, khiến da mất nước, xỉn màu và có nhiều nếp nhăn hơn. Nguyên nhân là collagen biến mất trong da, lâu dần khiến da mất tính đàn hồi.
"Mất collagen về cơ bản giống như mất đi chất độn trong đệm vậy. Nếu bỏ đi chất đó, đệm sẽ chảy xệ. Da bạn có phản ứng tương tự", Shergill cho biết.