Hố đen giúp tạo sao mới nhanh gấp 500 lần dải Ngân Hà
Hố đen siêu khối lượng nằm giữa cụm thiên hà Phoenix tạo điều kiện cho lượng khí nóng khổng lồ xung quanh nguội đi, thúc đẩy sao mới ra đời.
Nhờ dữ liệu do đài thiên văn tia X Chandra và kính viễn vọng không gian Hubble của NASA thu thập, các nhà khoa học phát hiện hố đen đặc biệt nằm ở trung tâm Phoenix, cụm thiên hà cách Trái Đất khoảng 5,8 triệu năm ánh sáng. Thay vì cản trở, hố đen siêu khối lượng này dường như còn hỗ trợ quá trình tạo ra sao mới, Futurism hôm 19/11 đưa tin.
Hố đen ở trung tâm cụm thiên hà Phoenix có thể tạo điều kiện cho sao mới chào đời. (Ảnh: NASA).
Hố đen của cụm Phoenix có vẻ yếu hơn nhiều so với hố đen ở các cụm thiên hà khác. Xung quanh nó là khí nóng dồi dào với khối lượng gấp hàng nghìn tỷ lần Mặt Trời đang nguội đi, cho phép hàng loạt sao mới chào đời. Thông thường, hố đen ngăn cản khí nguội đi bằng cách liên tục phun ra những luồng hạt năng lượng cao.
"Bạn hãy hình dung mình bật điều hòa trong phòng vào ngày trời nóng, nhưng sau đó thắp cả lò sưởi. Căn phòng sẽ không thể mát mẻ hoàn toàn nếu bạn không tắt lò sưởi đi. Tương tự, khi hố đen ngừng làm nóng cụm thiên hà, khí mới có thể nguội", Brian McNamara, đồng tác giả nghiên cứu, chuyên gia tại Đại học Waterloo, giải thích.
Nhóm nghiên cứu nhận thấy khí nóng nguội đi với tốc độ tương đương hố đen ngừng phun năng lượng. Điều này nghĩa là một lượng lớn sao có thể hình thành ở những nơi khí nóng đã nguội. Thực tế, cụm thiên hà Phoenix đang tạo sao mới với tốc độ nhanh gấp 500 lần dải Ngân Hà.
Tuy nhiên, tình huống này không kéo dài vĩnh viễn. "Kết quả nghiên cứu cho thấy hố đen tạm thời hỗ trợ tạo ra sao. Nhưng khi mạnh lên, ảnh hưởng của nó sẽ bắt đầu giống với hố đen ở các cụm thiên hà khác, nghĩa là kìm hãm quá trình này", Mark Voit, đồng tác giả nghiên cứu, chuyên gia tại Đại học Bang Michigan, cho biết.
Nghiên cứu mới có thể giúp giới khoa học hiểu thêm về vòng đời của cụm thiên hà và quá trình hố đen siêu khối lượng ở trung tâm các cụm can thiệp hay hỗ trợ sao hình thành.

Đặt tên cho các ngôi sao, cần cả một chiến dịch toàn cầu
Tên đăng ký phải sử dụng từ 4 đến 16 ký tự La tinh và chưa từng được đặt cho bất cứ thiên thể nào khác.

Những điều bạn chưa biết về Tinh vân
Tinh vân là một thiên thể ở dạng mây mù gồm khí sao và bụi vũ trụ. Tỷ trọng vật chất trong tinh vân rất thấp. Nếu đo bằng tiêu chuẩn trên Trái đất, có nơi hầu như là chân không. Nhưng thể tích tinh vân lại cực kỳ to lớn, cũng phải đế

10 câu đố vui về vũ trụ
Khoa học ngày nay tiến nhanh đến mức đôi khi bạn khó lòng nhận ra đâu là sự thực, đâu là giả tưởng. 10 tuyên bố sau đây bấp bênh giữa hai trạng thái này. Với mỗi câu, bạn hãy phân biệt thực tế - viễn tưởng, và tì

Tìm hiểu về hiện tượng Nhật thực và Nguyệt thực
Trong bài viết dưới đây, chúng ta cùng tìm hiểu xem hiện tượng Nhật Thực, Nguyệt Thực là gì? Tại sao nó lại được những người yêu thích thiên văn học quan tâm đến vậy.

Khoảng cách từ Trái Đất đến Mặt Trời là bao nhiêu?
Trái Đất và các hành tinh hàng xóm, cùng các tiểu hành tinh, hành tinh lùn, thiên thạch, sao chổi... thuộc hệ Mặt Trời (Thái Dương hệ) với Mặt Trời là trung tâm của hệ này.

Khám phá các giai đoạn trong chu kỳ của Mặt Trăng
Các giai đoạn (pha) của Mặt Trăng thay đổi một cách tuần hoàn, phụ thuộc vào góc chiếu của Mặt Trời tới Mặt Trăng và vị trí quan sát trên Trái Đất.
