"Kho báu cổ đại" từ sao Diêm Vương lao về Trái đất
Vật thể mẹ của "kho báu" 4,6 tỉ tuổi rơi xuống Trái đất hồi tháng 5 sẽ chuyển hướng trong ngày 9-12, bắt đầu trở về với chúng ta sau 38 năm tuyệt tích.
Điều này xảy ra sau hơn 1 tháng kể từ khi chiếc đuôi đá bụi mà nó để lại nhiều năm trước đổ mưa sao băng Orionids xuống Trái đất.
Vật thể khiến giới thiên văn trông đợi đó chính là sao chổi Halley.
Bức ảnh hiếm hoi chụp sao chổi Halley khi nó còn ở gần Trái đất, năm 1986 - (Ảnh: ESA).
Theo Live Science, sau lần xuất hiện sáng rực rỡ trước mắt người Trái đất 38 năm trước, sao chổi Halley đã lao đi ngày càng xa, vượt ra ngoài quỹ đạo của sao Hải Vương và gần như chạm tới "sân trước" của sao Diêm Vương.
Dù vậy, người Trái đất vẫn trông thấy những tàn tích mà đó để lại.
Mỗi năm 2 lần, hành tinh của chúng ta đi qua chiếc đuôi đá bụi của Halley 2 lần, tạo nên hai cơn mưa sao băng tuyệt đẹp là mưa sao băng Orionids (cực đại vào cuối tháng 10) và Eta Aquarids (cực đại vào tháng 5).
Trong năm qua, nó còn để lại cho Trái đất một kho báu vô giá, là tảng thiên thạch rơi xuống nhà một gia đình ở New Jersey - Mỹ.
Halley là một sao chổi cổ đại, có tuổi đời ngang ngửa Hệ Mặt trời.
Vì vậy những thiên thạch của nó chính là báu vật vô song mà các cơ quan vũ trụ như NASA bỏ hàng trăm triệu USD để săn tìm: Mẫu vật chứa thành phần nguyên sơ tạo nên các hành tinh như Trái đất, có thể chứa đựng cả "hạt giống" tiền sinh học.
Song song đó, vật thể mẹ luôn được NASA theo dõi chặt chẽ. Các quan sát vài ngày trước cho thấy sao chổi này sắp quay đuôi. Trong ngày 9-12, nó sẽ chính thức bắt đầu hành trình 38 năm trở về gần Trái đất.
Điều đó sẽ giúp chúng ta quan sát được sao chổi này cận cảnh một lần nữa vào năm 2061.
Như vậy trong ngày 9-12 nó cũng sẽ nằm ở một điểm đặc biệt trên quỹ đạo gọi là "điểm viễn nhật", tức nơi xa Mặt trời nhất.
Theo NASA, khoảng cách của Halley với ngôi sao mẹ của chúng ta trong hôm nay lên tới 35 đơn vị thiên văn (AU, 1 AU bằng với khoảng cách từ Mặt trời đến Trái đất).