Khoa học tìm thấy tín hiệu lạ trong não người
Tín hiệu kỳ lạ có thể giúp tìm ra cách xử lý những vấn đề liên quan tới sức khỏe não, điển hình là bệnh Alzheimer.
Chất xám trong não là một thành phần chính của hệ thần kinh trung ương, bao gồm các neurone tế bào, và chúng thu hút phần lớn sự tập trung của các nhà nghiên cứu.
Tuy nhiên, chất trắng - thứ chiếm một nửa bộ não - cũng không kém phần quan trọng, khi đảm nhiệm vai trò kết nối các tế bào não với nhau.
Não người là bộ phận mà đến nay vẫn còn ẩn chứa nhiều bí mật bất ngờ với khoa học. (Ảnh minh họa: Getty).
Trong một nghiên cứu mới đây, các nhà khoa học từ Đại học Vanderbilt (Mỹ), đã sử dụng phương pháp chụp cộng hưởng từ chức năng (fMRI) để xem xét những thay đổi trong chất trắng trong khi các đối tượng thực hiện các cử chỉ cơ bản, như cử động ngón tay.
Họ bất ngờ quan sát thấy sự gia tăng rõ rệt các tín hiệu vốn phụ thuộc vào mức độ oxy hóa trong máu, nhưng nay xuất hiện ở chất trắng. Điều này cho thấy não đã gia tăng hoạt động khi thực hiện cử chỉ nêu trên.
"Đó là một hiểu biết quan trọng, ngay cả khi chúng ta vẫn chưa thể biết chính xác chuyện gì đang xảy ra", Kurt Schilling, kỹ sư y sinh, thành viên nhóm nghiên cứu, chia sẻ.
Schilling khẳng định đây là một phát hiện độc đáo, vì nó cho thấy những thay đổi khác nhau bên trong não người, và có thể tồn tại mối liên hệ nào đó với hoạt động của chất xám.
"Trong khoảng 25 hay 30 năm qua, chúng ta đã bỏ quên nửa còn lại của bộ não", nhà nghiên cứu cho biết.
Dựa trên phát hiện này, nhóm của Kurt Schilling cho rằng các nghiên cứu trong tương lai có thể phát triển tín hiệu này một cách chi tiết hơn, giúp tìm ra cách xử lý những vấn đề liên quan tới sức khỏe não, điển hình là bệnh Alzheimer.