Khoan giếng sâu hơn 10.000m để thăm dò khí tự nhiên
Công ty Mỏ Dầu Khí Tây Nam PetroChina bắt đầu khoan giếng Shendi Chuanke-1 ở bồn địa Tứ Xuyên với độ sâu thiết kế là 10.520m hôm 20/7.
Trung Quốc bắt đầu khoan giếng sâu hơn 10.000m tại Tứ Xuyên hôm 20/7. (Ảnh: Xinhua)
Các giếng có độ sâu lớn hơn 9.000m được gọi là giếng siêu sâu. Việc thực hiện những dự án khoan giếng loại này được coi là có thách thức kỹ thuật lớn bậc nhất trong ngành kỹ thuật dầu khí. Shendi Chuanke-1 thuộc dự án khoan siêu sâu Deep Earth, giúp cung cấp sự hỗ trợ và nền tảng quan trọng cho việc phát triển tài nguyên dầu khí và nghiên cứu khoa học của Trung Quốc trong tương lai.
Shendi Chuanke-1 nằm ở Tứ Xuyên, nơi có một số kho trữ lượng khí đá phiến lớn bậc nhất Trung Quốc. Đây sẽ là giếng siêu sâu thứ hai ở Trung Quốc. Dự án đầu tiên là Yuejin 3-3, giếng dầu sâu nhất châu Á, bắt đầu triển khai ở vùng lòng chảo Tarim, khu tự trị Tân Cương, hôm 30/5.
Từ năm 2021, Trung Quốc trở thành nhà sản xuất khí tự nhiên lớn thứ 4 thế giới và nguồn cung khí tự nhiên của nước này hiện đã vượt qua dầu. Theo kế hoạch 5 năm hiện tại, Trung Quốc đang tìm cách cung cấp nhiều năng lượng hơn cho nhu cầu của nước này năm 2025, đồng thời ủng hộ việc tăng sản xuất dầu khí trong nước và hợp tác với các nước khác về năng lượng sạch.
Nhóm dự án cũng đặt mục tiêu thu thập thông tin địa chất ở độ sâu 10.000m để cập nhật những lý thuyết về sự tích tụ dầu khí, xây dựng một đội ngũ kỹ thuật quốc tế chất lượng cao ở Trung Quốc, theo phó quản lý dự án Ding Wei. "Dự án thăm dò 10.000m là một dự án quốc gia lớn, có thể so sánh với dự án khám phá Mặt trăng", Ding cho biết.
Các kỹ sư sẽ phải vượt qua những thách thức khổng lồ trong quá trình khoan do điều kiện dưới lòng đất vô cùng khó khăn, ví dụ cấu trúc địa chất phức tạp và nhiệt độ cực cao ở độ sâu 10.000m. Ở độ sâu này, mức nhiệt 224 độ C có thể khiến các dụng cụ khoan bằng kim loại "mềm như bún" và môi trường áp suất siêu cao, đạt 138 MegaPasscal, sẽ giống như "lặn xuống biển sâu 13.800 m, vượt xa áp suất nước biển ở Rãnh Mariana, rãnh đại dương sâu nhất hành tinh", theo kỹ sư trưởng Yang Yu.
- Giếng bí ẩn nghìn năm bốc mùi lạ mà nhân loại chưa thể chạm đáy
- Ấn Độ giải cứu bé 18 tháng tuổi khỏi giếng khoan sâu hơn 18m thế nào?
- Chim sử dụng "vũ khí" của con người để bảo vệ tổ