Không như con người, mực nang vẫn giữ được ký ức sắc nét ngay cả khi về già
Theo một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Proceedings of the Royal Society B: Biological Sciences cho biết mực nang nói riêng và loài động vật chân đầu (cephalopods) có thể nhớ được chúng ăn gì, ở đâu đến tận ngày trước khi chết. Mặc dù chúng vẫn có những dấu hiệu lão hoá khác, thế nhưng những con mực nang về già về có thể nhớ lại các ký ức từ ngày thơ bé một cách rất rõ ràng và sắc nét. Nghiên cứu này cũng là lần đầu tiên các nhà khoa học tìm thấy bằng chứng về một loài động vật có khả năng ghi nhớ các sự kiện cụ thể mà không bị suy giảm theo tuổi tác.
Alexandra Schnell - nhà sinh thái học hành vi tại Đại học Cambridge và Phòng thí nghiệm Sinh học Biển cho biết: “Mực nang có thể nhớ được những gì chúng từng ăn, thậm chí ở đâu và khi nào. Và chúng sử dụng điều này cho các quyết định ăn của chúng trong tương lai. Điều đáng ngạc nhiên là chúng không bị suy giảm khả năng này theo tuổi tác, mặc dù loài mực nang cũng có những dấu hiệu lão hoá khác như mất chức năng cơ và sự thèm ăn".
Mực nang có thể nhớ hết những ký ức ngày bé ngay cả khi về già.
Trên thực tế, mực nang thuộc lớp động vật thân mềm có xúc tu trong nhóm Cephalopoda) có quan hệ họ hàng gần với bạch tuộc và mực. Các sinh vật thân mềm dựa vào phần xương bên trong hay còn được gọi là xương mực để điều chỉnh độ nổi của chúng. Do thiếu lớp giáp bên ngoài, loài mực thường tận dụng khả năng nguỵ trang của mình để lẩn trốn những kẻ săn mồi đáng sợ ngoài tự nhiên.
Cấu tạo của một con mực.
Mực nang có bộ não lớn hơn so với kích thước cơ thể của chúng, mực nang có thể được xem là một trong những loài động vật không xương sống thông minh nhất mà các nhà khoa học từng biết đến. Đã có các nghiên cứu báo cáo rằng mực nang có thể học được cách giải mê cung và câu đố, thậm chí rèn luyện khả năng tự kiểm soát bản thân và biết từ bỏ một món ăn kém hấp dẫn hơn để đợi chờ những điều tốt hơn phía sau đó. Không chỉ vậy, khả năng hồi tưởng lại các sự kiện trong quá khứ là một khả năng hiếm có, thường chỉ có ở các loài động vật có xương sống thông minh như loài chim và linh trưởng. Tuy nhiên, khả năng đó ở cả con người và các loài động vật khác đều sẽ dần bị suy giảm khi già đi. Thế nhưng ở mực nang, loài vốn chỉ có tuổi thọ 2 năm lại không như vậy.
Nhà khoa học nghiên cứu mực nang.
Để tìm ra điều đó, nhóm nghiên cứu đã tiến hành thử nghiệm 20 con mực nang ở nhiều độ tuổi khác nhau. Một nửa trong số đó mới trưởng thành từ 10-12 tháng tuổi, số còn lại thì từ 22-24 tháng tuổi để so sánh khả năng của chúng. Tiếp đến, các nhà khoa học đã đánh dấu các khu vực cụ thể trong bể của mực bằng các ký hiệu đen và trắng. Họ cho mực ăn 2 loại tôm có chất lượng khác nhau ở mỗi vị trí. Và sau nhiều tuần kiếm ăn, mực đã có thể nhận biết khi nào và ở đâu sẽ có loại tôn ngon hơn. Cho dù các nhà khoa học có trộn lẫn, tạo nhiều thử thách hơn, thì cả mực già và mực non đều có thể nhớ loại mồi nào thường xuất hiện ở vị trí nào và sử dụng thông tin đó trong những lần tìm tiếp theo.
Vài ngày trước khi chết, trí nhớ và cả chức năng học tập của mực nang suy giảm nghiêm trọng.
“Những con mực nang già cũng làm tốt như những con mực nhỏ hơn trong nhiệm vụ thử thách trí nhớ. Ngạc nhiên là đôi khi nhiều con già còn biểu hiện tốt hơn trong giai đoạn thử nghiệm” - Schnell chia sẻ.
Tuy nhiên, trí nhớ của mực nang cũng có giới hạn. Theo đó, một vài ngày trước khi chết, trí nhớ và cả chức năng học tập của chúng cũng suy giảm nghiêm trọng. Theo các nhà khoa học, một phần lý do khiến mực nang có thể duy trì ký ức sắc nét đến tận cuối đời có thể là do chúng không có Hồi Hải mã, vùng có vai trò quan trọng liên quan đến trí nhớ ở người và các động vật có xương sống.
Bên cạnh đó, cũng bởi vì mực nang chỉ giao phối vào cuối đời của chúng, nhóm nghiên cứu đã nhận ra rằng khả năng ghi nhớ này có thể giúp ịch rất nhiều cho việc tìm bạn đời, và cả nỗ lực truyền gene của chúng đi xa hơn.