Khủng long tuyệt diệt vì hai cú 'trời giáng'
Các nhà khoa học Mỹ cho biết, không phải một mà là hai tiểu hành tinh liên tiếp va chạm vào trái đất trong khoảng 300 năm khiến loài khủng long tuyệt chủng.
Nhiều năm qua, một giả thuyết được giới khoa học rất đồng tình cho rằng, cách đây 65 triệu năm, một tiểu hành tinh có đường kính 10 km đã rơi xuống bán đảo Yucatán, Mexico để lại hố Chicxulub, dẫn đến sự biến đổi khí hậu trên phạm vi toàn cầu, gây ra sự tuyệt chủng của khủng long.
Nhưng giả thuyết mới nhất bổ sung, sau sự kiện trên 300 năm, một tiểu hành tinh khác có đường kính khoảng 40 km đã đâm xuống bờ biển phía Tây Ấn độ và đây mới là đòn quyết định tận diệt loài khủng long của... "ông trời". “Loài khủng long thật bất hạnh”, Sankar Chatterjee, nhà cổ sinh vật học, ĐH Công nghệ Texas, Mỹ nói.
Chatterjee cho rằng, lần đâm xuống đáy biển lần này đã để lại một hố có đường kính khoảng 500 km. Nhóm nghiên cứu đã tiến hành nghiên cứu hố thiên thạch này từ năm 1996, và đặt tên hố và thiên thể trên là Shiva, một vị thần hủy diệt trong Ấn độ giáo. Chatterjee cho biết: “Nếu như những suy đoán của chúng tôi chính xác, đây là hố thiên thạch lớn nhất đã được phát hiện trên trái đất".
Theo tính toán của nhóm nghiên cứu, cường độ va chạm của tiểu hành tinh Shiva vô cùng lớn, làm bay đi tất cả những vật chất trên bề mặt trái đất gần đó, hình thành đường viền hình răng cưa của hố thiên thạch Shiva.
Mô hình phân tích cấu tạo hố Shiva với các viền răng cưa.
Nhóm nghiên cứu của Chatterjee còn cho rằng, lần va chạm này làm tách ra một phần lục địa nhỏ Ấn độ, trôi dạt đến Châu phi, hình thành quần đảo Seychelles. Đồng thời, sự va chạm khiến cho núi lửa phía Tây Ấn độ phun trào.
Cách đây 65 triệu năm, khủng long từng là loài thống trị trên cạn, trên không và cả dưới biển với chủng loài phong phú đa dạng. Thế nhưng, số sự va chạm của trái đất với các thiên thể khác (hiện tượng không hiếm gặp trong vũ trụ) đã xóa bỏ ngôi vị độc tôn của khủng long.
Sự ra đi của khủng long, đã nhường chỗ cho các loài sinh vật lớp thú phát triển, trong đó, có loài người. Hiện, loài người chỉ có thể hình dung về thời hoàng kim của loài này trong lịch sử thông qua các mẫu hóa thạch tìm thấy trong các chuyến khảo cổ hoặc một vài hậu duệ của khủng long là một số loài bò sát.
Bài học về sự tuyệt diệt của khủng long để lại nỗi ám ảnh về tai họa có khả năng hủy diệt sự sống của con người. Thậm chí, một nghị sĩ Anh đưa ra ý tưởng bất khả thi là xây dựng một mạng lưới các đài quan sát thiên văn sóng vô tuyến trải rộng khắp trên bề mặt toàn cầu để canh phòng cho nền văn minh nhân loại.
Đối phó với nỗi sợ này, nhiều quốc gia đã lên kế hoạch ứng phó bằng cách sử dụng các tên lửa mang đầu đạn hạt nhân đón đầu các thiên thể có khả năng va chạm với trái đất, dùng năng lượng của vụ nổ làm chệch hướng di chuyển của chúng.