Kỳ dị cua ma không có lưỡi nhưng vẫn phát ra tiếng kêu, chuyên gia "soi" X-quang mới vỡ lẽ
Cua ma có thể phát ra tiếng kêu? Bằng cách nào vậy?
Các nhà nghiên cứu cho biết, cua ma là loài động vật đầu tiên sử dụng âm thanh của dạ dày để giao tiếp.
Cua là loài động vật "nóng tính", hầu hết các loài cua đều tạo ra âm thanh, mà chúng ta vẫn hay nghe thấy đó là tiếng kêu loảng xoảng từ hai chiếc càng của chúng. Riêng ở loài cua ma, chúng có thêm một vũ khí bí mật để đe dọa kẻ thù và xua đuổi những kẻ săn mồi khi hai chiếc càng to lớn của chúng đang bận rộn chiến đấu. Bên cạnh đó, trên những chiếc càng, cua ma cũng có thể tạo ra âm thanh từ việc cọ xát các điểm gờ trên càng để dọa kẻ thù.
Cua ma. (Ảnh: Wikiwand)
Jennifer Taylor, một nhà sinh vật học nghiên cứu về cua tại Viện Hải dương học Scripps ở La Jolla, California cho biết: "Đây chắc chắn là một lợi thế nếu có kẻ thù ở gần. Chúng có thể giơ càng ra và sẵn sàng lao tới, nhưng đồng thời vẫn tạo ra những âm thanh này trong bụng".
Loài cua thường sở hữu dạ dày khác thường giúp chúng chế biến thức ăn. Bên trong dạ dày của chúng là những chiếc răng nhỏ, xếp cạnh nhau thành "cối xay dạ dày". Riêng ở loài cua ma, chiếc cối xay có thêm một chiếc răng sắc ở giữa. Khi thức ăn đi vào dạ dày, cơ chế của chiếc cối xay có nhiệm vụ cắt nhỏ và nghiền nát những gì đi vào trong bụng.
Theo The Guardian, nhà sinh vật học Taylor cho biết cô cảm thấy bị thu hút khi nghe được những âm thanh mà loài cua này tạo ra. "Tôi đã quan sát chúng để xem chúng có di chuyển thứ gì khác ngoài móng vuốt của chúng không thoạt nhìn bên ngoài thì không có gì diễn ra. Hơn nữa, nhà nghiên cứu cho rằng loài cua này rất thông minh".
Chúng không chỉ phát triển các cơ chế đặc biệt trên càng để tạo ra âm thanh, mà chúng còn áp dụng phương pháp thứ hai này như một phương án dự phòng. Nếu càng của chúng đã bận rộn, chúng có thể tạo ra những âm thanh tương tự bên trong bụng.
Vì vậy, các nhà nghiên cứu đã thử nghiên cứu sâu hơn vào cấu tạo bên trong. Lần thử đầu tiên đã thất bại khi một con cua nghiền nát ống nội soi nhỏ xíu đưa vào miệng nó. Tiếp tục ở lần thử thứ hai, họ tiếp cận theo cách hiệu quả hơn.
Họ sử dụng một kỹ thuật gọi là đo độ rung doppler laze, các nhà khoa học đã chiếu tia laze vào các bộ phận khác nhau của một con cua. Kết quả cho thấy rằng những rung động mạnh mẽ nhất đến từ vùng bụng của loài động vậy này.
Kỳ lạ thứ âm thanh của cua ma do răng ở trong bụng tạo ra.
Để tìm hiểu kĩ hơn về cơ chế này, nhóm nghiên cứu của Taylor đã đưa những con cua đến một trung tâm y tế. Họ chụp X-quang cho cua khi chúng vật lộn với que và các vật dụng khác. Sau nhiều lần thử, các nhà nghiên cứu đã ghi lại cảnh các cối xay dạ dày đang hoạt động để tạo ra âm thanh cảnh báo.
Những con cua ma có kích thước to bằng một bàn tay, chúng sống trong các hang đào trên cát và chuyên hoạt động về đêm. Loài cua này ở Việt Nam còn được người dân miền biển biết đến với cái tên "cua càng trắng". Loài cua này ăn được, tuy nhiên thịt của chúng không được nhiều và ngon như các loài cua khác. Nếu muốn ăn, cách chế biến cua càng trắng cũng giống với các loài cua khác, đó là bắt buộc phải đun trong nhiệt độ cao và trong thời gian dài để có thể loại bỏ hoàn toàn các loại ký sinh trùng có trên loài cua này.