Lần đầu chụp được ảnh tia năng lượng từ lỗ đen
Các nhà khoa học đã có lần đầu tiên chụp được tia năng lượng phóng ra từ rìa lỗ đen, giúp cung cấp thêm những hiểu biết về nghiên cứu lỗ đen ở thiên hà Messier 87.
Hình ảnh về tia năng lượng phát ra từ lỗ đen vừa được giới khoa học thu lại. (Ảnh: S Lu/Guardian).
"Chúng tôi biết được các tia năng lượng được phóng ra từ khu vực quanh lỗ đen, nhưng vẫn chưa hiểu rõ điều này diễn ra như thế nào", Guardian dẫn lời tiến sĩ Ru Sen Lu từ Trung tâm quan sát Thiên văn Thượng Hải.
Hầu hết thiên hà đều chứa một lỗ đen siêu lớn, có thể nuốt chửng những gì đi qua chúng. Nhiều lỗ đen phóng ra các tia năng lượng cực mạnh, có vận tốc ngang tốc độ ánh sáng.
Các quan sát mới nhất được thực hiện từ năm 2018. Chúng đã cung cấp thêm những hình ảnh về lỗ đen ở trung tâm Messier 87 (M87), một thiên hà khổng lồ thuộc siêu thiên hà Xử Nữ (Virgo).
Lỗ đen M87 có đường kính 40 tỷ km, có khối lượng lớn hơn Mặt trời 6,5 tỷ lần và nằm cách Trái đất 54 triệu năm ánh sáng.
Các nhà khoa học cho rằng năng lượng của những tia nói trên tới từ chuyển động quay của lỗ đen. Tuy nhiên, không rõ chính xác các tia này phát ra từ đâu. Một số giả thuyết nói rằng nó nằm ở khu vực chân trời sự kiện (event horizon), hoặc nằm ở vùng Ergoregion, nơi không - thời gian chuyển động cùng lỗ đen.
"Bây giờ chúng ta có thể bắt đầu giải quyết các câu hỏi như làm thế nào các hạt tia năng lượng được gia tốc và làm nóng, và nhiều bí ẩn khác xung quanh lỗ đen, một cách sâu sắc hơn", tiến sĩ Kazunori Akiyama, đài quan sát Haystack thuộc Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), nói.